Cần tính đến Pakistan

Trong báo cáo “Tái định hướng chiến lược Pakistan của Mỹ: "Từ Afghanistan - Pakistan tới châu Á” số tháng 1-2014, tác giả Daniel Markey, chuyên gia cao cấp về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) đã kêu gọi Mỹ cần xem Pakistan không chỉ là một quốc gia riêng biệt hoặc là một nhân tố chính trong chính sách Afghanistan của Mỹ mà cần tái định hướng mối quan hệ của Washington với Islamabad hướng tới châu Á.

Ông Markey cho rằng một chiến lược của Mỹ đối với châu Á mà không tính tới vai trò của Pakistan là không đầy đủ và nếu gắn với bối cảnh Afghanistan là thiển cận. Ông đã vạch ra một cách tiếp cận theo 2 hướng cho chính sách của Mỹ đối với Pakistan trong tương lai gồm hỗ trợ nước này đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh, đồng thời giúp Pakistan thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng.

Để làm được như vậy, Mỹ cần thực hiện 4 điểm. Thứ nhất, khởi động đối thoại ngoại giao mới với Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan nhằm giảm thiểu nguy cơ căng thẳng và bạo lực tại khu vực. Hai là, ký một thỏa thuận nhằm khuyến khích thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan. Ba là, tái phân bổ khoản hỗ trợ cho Pakistan nhằm cải thiện thương mại và hạ tầng giao thông. Bốn là, đưa Pakistan vào việc hoạch định chính sách khu vực Đông và Nam Á của Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ, tránh nhấn mạnh đến kết nối giữa Afghanistan và Pakistan.

Theo lý giải của tác giả, chỉ khi thắt chặt mối quan hệ với Pakistan mới dẫn đến sự ổn định tốt hơn trong khu vực luôn bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Bởi vì bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể để lại hậu quả lâu dài tại các nước trong khu vực, cũng như tại Mỹ. Cuộc xung đột sẽ không chỉ làm gián đoạn nền kinh tế đang bùng nổ của Ấn Độ mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực rộng lớn này.

Theo “cách tiếp cận hai hướng” trên, Pakistan nên mở rộng đối thoại với Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc về cuộc chiến chống khủng bố và an ninh nội địa. Mỹ nên giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp Pakistan phát triển các mối quan hệ từ thương mại đến chính trị và thậm chí là bất cứ điều gì có thể với các quốc gia láng giềng với Pakistan.

Trong số các đề xuất giúp Pakistan hội nhập khu vực là “một hiệp định thương mại với Ấn Độ, Afghanistan và Pakistan”. Hiệp định này cũng sẽ cung cấp nhiều ưu đãi hơn cho thị trường Mỹ với điều kiện các quốc gia láng giềng cũng giảm rào cản thương mại nội vùng.

Quan hệ với Islamabad, một trong các mối quan hệ phức tạp nhất của Washington tại khu vực, thời gian qua chủ yếu thể hiện trong lĩnh vực chống khủng bố, nơi mà 2 nước đồng thuận với nhau về các nguy cơ của khủng bố song vẫn còn rất nhiều khác biệt về phương thức đối phó. Mỹ thường khẳng định quan hệ 2 nước mặc dù có một số bất đồng, song Mỹ và Pakistan có sự tương đồng lớn về lợi ích an ninh tại khu vực. Nếu Mỹ chọn các cách tiếp cận trên, Pakistan có thể đóng góp vào hoạt động ưu tiên của Mỹ ở châu Á; của Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố.

Markey cũng đề xuất Mỹ nên tái cơ cấu viện trợ quân sự cho Pakistan, tách nước này ra khỏi cuộc chiến ở Afghanistan thay vì để Pakistan loay hoay chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại các khu vực biên giới với Afghanistan.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục