Dự án Luật Thuế môi trường vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét. Tán thành việc ban hành một đạo luật độc lập về thuế môi trường, tạo công cụ vĩ mô hữu hiệu để xác định và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây tác động tiêu cực đến môi trường nhưng các thành viên UBTVQH đã đưa ra nhiều ý kiến, đề nghị cân nhắc các quy định trong dự luật.
Theo dự thảo Luật Thuế môi trường, thuế chủ yếu đánh vào người tiêu dùng. Có 5 nhóm hàng sẽ phải nộp là xăng dầu, than, dung dịch HCFC (chất làm lạnh chứa hydro-chloro-fluoro-carbon), túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến xăng dầu sẽ chịu mức thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 1.000 - 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu hỏa 300 - 2.000 đồng/lít; dầu mazut 300 - 2.000 đồng/lít; than 6.000 - 30.000 đồng/tấn; dung dịch HCFC 1.000 - 5.000 đồng/kg; túi nhựa xốp 20.000 - 30.000 đồng/kg, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng 500 - 5.000 đồng/kg. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần “hết sức cân nhắc vấn đề này”, vì đánh thuế vào người tiêu dùng cũng có nghĩa là đánh vào nền kinh tế.
Nếu Luật Thuế môi trường được thông qua như đề xuất của cơ quan soạn thảo, từ ngày 1-1-2012, cứ mỗi lít xăng sẽ phải cộng thêm 1.000 - 4.000 đồng tiền thuế môi trường. Hiện nay, Nhà nước đã giao cho các công ty nhập khẩu xăng dầu được tự quyết định giá bán xăng dầu. Vì vậy, nếu Nhà nước đánh thuế bao nhiêu, các doanh nghiệp lại nâng giá lên bấy nhiêu. Cuối cùng cả nền kinh tế và người tiêu dùng phải gánh chịu. Theo cách tính thuế trong dự luật, một sản phẩm phải chịu khá nhiều nấc thuế, phí.
Ví dụ, để khai thác được một tấn than, người khai thác phải chịu 2 loại thuế, gồm thuế khai thác tài nguyên không tái tạo và thuế gây ô nhiễm môi trường. Người sử dụng than cũng phải chịu thuế ô nhiễm môi trường. Than, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác nên giá các mặt hàng này tăng chắc chắn sẽ đội giá thành sản phẩm lên. Như vậy, gánh nặng tài chính sẽ lại dồn lên vai người tiêu dùng.
Vì vậy, cần xác định một cách cụ thể hơn xây dựng luật này là để điều chỉnh hành vi nào, nhằm mục đích gì? Luật Thuế môi trường là đạo luật quan trọng, tác động trên diện rộng, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động và mức độ khả thi.
UBTVQH cũng đã quyết định không tiếp tục xây dựng Luật Thuế nhà đất, và để thay thế, đã thống nhất sẽ trình ra Quốc hội dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm đánh thuế đối với đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị; đất xây dựng khu công nghiệp, đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng; đất làm gốm (đất sản xuất phi nông nghiệp).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đại diện cơ quan soạn thảo Luật Thuế nhà đất, đánh thuế đối với nhà ở tại thời điểm này là chưa phù hợp. Mục tiêu lớn nhất của việc đánh thuế đối với nhà ở là hạn chế tình trạng đầu cơ. Nhưng trên thực tế việc đầu cơ không phải là đầu cơ nhà mà là đầu cơ đất.
Theo dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các đối tượng có quyền sử dụng đất nếu sử dụng đất với diện tích trong hạn mức sẽ phải chịu mức thuế suất là 0,03%. Phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần sẽ phải chịu mức thuế suất 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần phải chịu mức thuế suất 0,1% và phần đất lấn chiếm phải chịu thuế suất đến 0,15%.
Nguyên Quân