Một dự án có vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD vừa được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép giấy chứng nhận đầu tư. Trong bối cảnh dòng đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam không còn “dào dạt” như trước, và dự án Bãi biển Rồng với số vốn 4,15 tỷ USD cũng trên địa bàn tỉnh này vừa bị rút giấy phép do không triển khai đúng cam kết, người ta không khỏi lo ngại về tính khả thi của dự án.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mới đây chính thức xác nhận, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An do liên doanh Genting VinaCapital làm chủ đầu tư (vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD) vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư cách đây ít ngày.
Để tránh lặp lại sự kiện đáng tiếc như với dự án Bãi biển Rồng, ông Lê Phước Thanh khẳng định, cách đây 2 năm, nhà đầu tư đã ký quỹ 1 triệu USD cho dự án này. Tới đây, việc ký quỹ đầu tư sẽ tiếp tục được thực hiện. Tổng số tiền mà nhà đầu tư phải ký quỹ ước khoảng 5 triệu USD.
Bên cạnh đó, Genting và VinaCapital là hai nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, có tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh du lịch - nghỉ dưỡng chứ không giống như trường hợp của Bãi biển Rồng trước đó…
Một dự án khác có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, nhưng cũng trở thành tâm điểm chú ý của công luận trong những ngày gần đây là đề xuất xây dựng trường đua xe công thức 1 (Formula 1) tại Việt Nam. Ông Hans Geist, người đưa ra ý tưởng này đã có cuộc làm việc với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Theo đó, trường đua sẽ được xây dựng trên một khu đất rộng 300 ha, bên bờ vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với chi phí xây dựng khoảng 150 triệu USD.
Thời gian dự kiến để xây dựng trường đua này là 3 năm. Sau khi hoàn thành, Việt Nam có thể đăng cai một chặng trong giải F1 thế giới hàng năm.
Theo các nhà phân tích kinh tế, thế giới hiện có hàng trăm trường đua lớn nhỏ khác nhau, nhưng đủ điều kiện để đua F1 tính đến mùa giải 2010 chỉ có 19 trường đua được chọn, trong đó có 8 trường đua tại châu Á (Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Abu Dhabi và Bahrain). Cơ hội cho những nước như Việt Nam “kéo” F1 về nước mình là không nhiều. Thái Lan, vốn có công nghiệp du lịch phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, cũng chưa có trường đua loại này.
Trong năm 2011 và nhiều năm trước mắt, dòng vốn ngoại vẫn hết sức cần thiết đối với Việt Nam, nhưng chúng ta không chấp nhận mọi dự án bằng mọi giá. Đó là định hướng đã được xác định rất rõ, song đôi khi vẫn bị niềm vui bồng bột là gọi thêm được nhiều vốn cho quê nghèo lấn át…
ANH THƯ