Đề án Hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM do UBND TP ban hành tháng 6-2014 ghi rõ: “Mục tiêu phát triển ngành học mầm non đến năm 2020 là tăng tỷ lệ trường mẫu giáo ngoài công lập lên 40%, nhà trẻ ngoài công lập lên 60% trên tổng quy mô phân bổ trường, lớp của bậc học này”.
Năm học qua có thể nói là một trong những thời điểm hệ thống trường mầm non ngoài công lập (NCL) tăng nhanh về số lượng và mở rộng quy mô hoạt động nhất trong quá trình phát triển của bậc học này. Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu gửi con của người dân, nhiều nhóm, lớp mầm non tư thục có phép đã được khuyến khích phát triển lên thành trường. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số nhóm, lớp có cơ sở vật chất nhỏ hẹp, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Ngoài ra, khi số lượng trường NCL mở ra ngày càng lớn cũng là lúc hình thành cuộc đua ngầm giữa các đơn vị trong “cuộc chiến” giành học sinh. Đơn cử như việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ. Mặc dù Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các trường cho trẻ làm quen tiếng Anh như một môn học ngoại khóa giống các bộ môn năng khiếu khác như múa, vẽ, đàn, thể dục nhịp điệu…, chỉ tiến hành dạy tiếng Anh cho trẻ khi phụ huynh có yêu cầu và thực hiện hoạt động này ngoài giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở mầm non NCL đã sử dụng việc dạy tiếng Anh như một trong những hình thức quảng bá chất lượng hoạt động của đơn vị.
Hiện có rất nhiều chương trình tiếng Anh tồn tại song song ở các trường mầm non NCL nhưng chưa có bất kỳ sự kiểm soát, đánh giá chất lượng nào từ phía cơ quan chủ quản. Đó là chưa kể ở nhiều nơi, có trường còn quảng cáo việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 như một trong những tiện ích tăng thêm để phụ huynh quyết định bỏ trường công, cho con học trường tư để có “nền kiến thức” tốt hơn trước khi vào lớp 1. Trong khi đó nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã có quy định nghiêm cấm các trường mầm non dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Việc dạy chữ nếu có ở các lớp mẫu giáo chỉ nhằm mục đích cho trẻ làm quen với chữ cái, con số, hoàn toàn không có các nội dung tập đồ, tập viết, ráp chữ thành vần - vốn là những nội dung của bậc tiểu học. Thêm vào đó, do cạnh tranh với nhau về học phí, nhiều cơ sở mầm non NCL đã chọn giải pháp tiết giản tối đa nguồn thực phẩm dẫn đến chất lượng bữa ăn của học sinh không đảm bảo, gây thiệt thòi cho chính sức khỏe các em.
Qua đó cho thấy, việc hệ thống trường mầm non NCL phát triển nhanh nhằm chia sẻ gánh nặng với trường công là thực tế rất đáng trân trọng. Nhưng, nếu không được kiểm soát tốt, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ sẽ rất đáng báo động. Vì vậy, song song với yêu cầu phát triển nhanh về số lượng, phòng GD-ĐT ở các quận, huyện cũng cần thường xuyên giám sát các trường về chất lượng hoạt động, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” nhưng kém sắc, kém hương như hiện tại.
MINH QUÂN