Cần tư duy xanh

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, thành phố quá tải, giao thông tắc nghẽn, môi trường ô nhiễm, bản sắc đô thị bị giảm sút, tệ nạn xã hội gia tăng, sự thiếu kiểm soát công tác xây dựng công trình cao tầng ở một số khu vực chật hẹp… là những khó khăn cụ thể trong tiến trình đầu tư xây dựng đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Ðể khắc phục tình trạng này đòi hỏi một sự “xanh hóa” toàn diện từ tư duy xanh, giáo dục xanh đến quản lý xanh… Tư duy xanh nằm ở chỗ người chủ đầu tư công trình và kiến trúc sư của công trình có cùng một mong muốn tạo ra một hoặc một chuỗi công trình với đầy đủ các yếu tố tiết kiệm năng lượng cùng tiết kiệm các nguồn tài nguyên khác… Chủ đầu tư phải chịu chấp nhận bỏ ra chi phí ban đầu cao hơn các công trình thông thường vì công trình xanh thường có chi phí đầu tư ban đầu khá tốn kém. Giáo dục xanh thông qua các hình thức giáo dục ở nhà trường và tuyên truyền cho xã hội một nền tảng kiến thức tốt về môi trường.

Chính giáo dục xanh sẽ giúp con người điều chỉnh hành vi của mình theo hướng có ý thức bảo vệ môi trường. “Gieo hành động gặt thói quen”… từ việc thay đổi những thói quen nhỏ có thể điều chỉnh tính cách, hành vi ứng xử đối với môi trường. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, quản lý xanh trước hết thuộc về trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách, những người soạn thảo và đưa ra các chế tài ràng buộc cũng như khuyến khích cư dân đô thị hành động vì mục tiêu hướng tới đô thị xanh cả trong đầu tư mới và bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị.

Dù phải đầu tư tốn kém hơn công trình thường nhưng công trình kiến trúc xanh mang lại rất nhiều lợi ích. Các công trình xanh thường tiết kiệm được khoảng 30% năng lượng, giảm 35% phát thải carbon, tiết kiệm từ 30% - 50% nước và giảm 50% - 90% chi phí xử lý rác thải… Về lâu dài, đây sẽ là con số khổng lồ vượt xa chi phí đầu tư ban đầu.

Trong một lần trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, đại diện Hội Kiến trúc sư TPHCM đã ước tính rằng, chỉ cần 2 năm tiết kiệm được chi phí tiền điện do sử dụng bóng đèn, máy lạnh cùng nhiều thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng, nhà đầu tư đã có thể hoàn vốn đầu tư hệ thống điện. Thậm chí nếu xây dựng được công trình có khả năng lấy ánh sáng tốt, thông gió… khoản tiền tiết kiệm do không phải sử dụng điện chiếu sáng, máy điều hòa không khí còn cao hơn nhiều. Cái khó ở một thành phố đông đúc như TPHCM là không gian cho công trình kiến trúc khá chật hẹp.

Việc điều chỉnh hướng nhà để tận dụng năng lượng chiếu sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên gần như không thể. Thế nhưng, hãy cứ bắt đầu bằng những điều có thể làm được trong tầm tay. Miễn là trong tư duy của mọi người luôn hướng về “kiến trúc xanh” để bắt đầu cho một tương lai xanh của chính mình.

TÂM ÐỨC

Tin cùng chuyên mục