Cần xem xét lại quyết định đối với 43 căn nhà trong Khu tập thể Hải quan

Xác lập sở hữu Nhà nước tài sản do người dân tạo lập?
Cần xem xét lại quyết định đối với 43 căn nhà trong Khu tập thể Hải quan

Thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Kiêm, Tổ trưởng tổ dân phố 52 cùng 43 hộ dân sinh sống tại Khu tập thể Hải quan (số 778 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận) đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng của TP kiến nghị xem xét lại Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 8-1-2008 của UBND TPHCM (Quyết định 72) về xác lập sở hữu Nhà nước và tiếp nhận 43 lô đất xây dựng nhà ở do Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan chuyển giao cho ngành nhà đất TP quản lý. Theo các hộ dân, việc xác lập sở hữu Nhà nước đối với 43 căn nhà và đất trong Khu tập thể Hải quan có một số quy định chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.

Những căn nhà kiên cố trong khu tập thể Hải quan tồn tại hơn 15 năm nay nhưng không được cấp giấy chủ quyền. Ảnh: H.N.

Những căn nhà kiên cố trong khu tập thể Hải quan tồn tại hơn 15 năm nay nhưng không được cấp giấy chủ quyền. Ảnh: H.N.

Xác lập sở hữu Nhà nước tài sản do người dân tạo lập?

Khu tập thể Hải quan được hình thành từ Quyết định số 73/TCHQ-KHHC ngày 6-11-1994 của Tổng cục Hải quan. Khu đất có diện tích 3.000m² nguyên trước kia thuộc một phần trong khuôn viên 16.000m² của Trường Hải quan Việt Nam (nay là Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan) được Tổng cục Hải quan cấp cho công chức, viên chức trong ngành làm nhà ở.

Theo luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt, khu đất được phân thành 44 lô theo quy hoạch của một khu dân cư hoàn chỉnh với các hạng mục đường nội bộ, hệ thống điện, cấp, thoát nước…

Ngày 4-6-1994, Tổng cục Hải quan có văn bản số 78/TCHQ-TCCB chỉ đạo việc bình xét các tiêu chuẩn cấp đất và thành lập Hội đồng Phân phối đất cho công chức, viên chức để xây dựng nhà ở. Theo đó, công chức, viên chức được giao đất làm nhà ở không phải đền bù giá trị mặt bằng, chỉ phải nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền thổ trạch (nếu có).

Thực hiện theo nội dung chỉ đạo này, chỉ chưa đầy 2 năm sau, Khu tập thể Hải quan được hình thành với 43 căn nhà kiên cố do công chức, viên chức được cấp đất trực tiếp bỏ tiền ra xây dựng (hiện 1 lô đất chưa cấp cho cá nhân nào).

Tuy nhiên, tại Điều 1, Quyết định 72 lại có nội dung: “Nay xác lập quyền sở hữu Nhà nước và tiếp nhận đối với 43 lô đất xây dựng nhà ở tại số 778 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận thuộc diện nhà tạo lập bằng nguồn vốn tự có do Trường Cao đẳng Hải quan (nay là Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan) đã bố trí cho 43 hộ cán bộ, công nhân viên tự xây dựng nhà ở”.

Quyết định trên còn yêu cầu Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan và các ngành chức năng thực hiện thủ tục bàn giao, tiếp nhận khu nhà và ghi tăng, giảm tài sản của các đơn vị theo quy định. Điều 3 của quyết định trên giao Sở Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng tiến hành ký hợp đồng thuê để ở hoặc bán nhà cho các hộ đang cư ngụ theo đúng đối tượng, đúng quy định.

Điều đáng nói là trước đó tại văn bản số 127/TC-HQ/Q ngày 26-5-2006 của Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan gửi Sở Xây dựng và UBND TPHCM đã nói rõ: Khu tập thể Hải quan có đường đi riêng, có tường rào bao quanh, tách biệt với trụ sở làm việc của nhà trường, có cơ sở hạ tầng, phù hợp với quy hoạch chung và được tạo lập bằng tiền của cán bộ, giáo viên.

Sau đó Bộ Tài chính có văn bản 16725 ngày 7-12-2007 đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý 44 lô đất tại Khu tập thể Hải quan theo hướng cho các hộ gia đình thực hiện nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ.

Giá tính thu tiền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại khoản 12, Điều 1 Nghị định 123/2007 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá đất các loại. Tuy nhiên, hướng giải quyết trên của Bộ Tài chính đã không được các cơ quan chức năng của TP thực hiện, khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Chưa có “tiếng nói chung”

Trong “đơn kiến nghị” gửi các cơ quan chức năng của Trung ương và TP, 43 hộ dân sinh sống tại Khu tập thể Hải quan đều bày tỏ nguyện vọng được hợp thức hóa quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật hiện hành.

Trên thực tế, Khu tập thể Hải quan đã được hình thành hơn 15 năm nay bằng chính tiền đầu tư của họ bỏ ra. Mặt khác, các công trình nhà ở trong khu tập thể do người dân tạo lập đều phù hợp với các quy định của TP về kiến trúc, quy hoạch, đô thị... Không thể kéo dài tình trạng hơn 15 năm qua, 43 hộ dân đều là cán bộ, công chức, sinh sống tại Khu tập thể Hải quan mặc dù đã có nhà, đất hợp pháp nhưng lại không được pháp luật thừa nhận.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều năm qua giữa Bộ Tài chính (đơn vị chủ quản của ngành Hải quan), Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan (đơn vị được giao quản lý, sử dụng khu đất trước khi hình thành Khu tập thể Hải quan), Sở Xây dựng, UBND TPHCM và 43 hộ dân qua nhiều cuộc họp vẫn không đi đến thống nhất được biện pháp giải quyết dứt điểm.

Tại các cuộc họp với các cơ quan chức năng, 43 hộ dân đều kiến nghị TP nên xem xét giải quyết theo hướng đề nghị của Bộ Tài chính. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng vẫn giữ nguyên quan điểm phải xác lập sở hữu nhà nước đối với toàn bộ 43 căn nhà trên, sau đó mới tiến hành giải quyết theo thủ tục cho thuê, hợp thức hóa nhà đất. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của người dân và phát sinh đơn thư khiếu kiện gửi đi khắp nơi thời gian qua.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục