Gần 2 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố truyền thông “nước mắm bị nhiễm arsen vượt mức cho phép, có chứa chất độc gây ung thư” gây xôn xao dư luận, làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của hàng trăm ngàn doanh nghiệp và người dân sản xuất nước mắm truyền thống, dường như sự vụ vẫn chưa đi đến hồi kết.
Mới đây Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ họp báo cho biết vụ việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thông tin sai sự thật về nước mắm truyền thống, được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty T&A Ogilvy, có làm người dân nhìn nhận rõ hơn mối “liên minh” gây ra sự cố này, nhưng hoàn toàn chưa thuyết phục được công chúng về kết quả xử lý sự việc. Người dân có lý khi “thủ phạm” đích thực chưa được nêu tên, bởi lẽ Công ty T&A Ogilvy là đơn vị truyền thông, không thể vô cớ bỏ ra kinh phí để “thuê” VINASTAS thực hiện cuộc khảo sát nước mắm mà phải làm theo đơn đặt hàng của một đơn vị nào đó - có thể là doanh nghiệp cạnh tranh cùng ngành nghề. Sau khi cái tên T&A Ogilvy được công bố, đến nay đơn vị này vẫn lẩn tránh trách nhiệm giải trình trước công luận, còn “doanh nghiệp thụ hưởng” vẫn chưa được chỉ ra!
Cũng cần phải nói, khi sự cố truyền thông “nước mắm nhiễm độc”, cán bộ ngành chức năng đã vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt. Ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn họp báo nêu rõ: “Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người tiêu dùng và công ăn việc làm của hàng trăm ngàn người… lại được công bố một cách cẩu thả. Có hay không sự cấu kết tạo chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin”, nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này, gây hại cho doanh nghiệp khác? Theo tôi, nếu vậy, đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật”.
Ngay ngày hôm sau (22-10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Giao Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Y tế có thông tin chính thức, rõ ràng về chất lượng nước mắm để tránh gây hoang mang trong dư luận; giao Bộ Công thương xem xét việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc điều tra, công bố thông tin của VINASTAS, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có… Cùng ngày hôm đó, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm đã chỉ đạo kiểm tra vụ việc lùm xùm này, nêu rõ: “Ai đưa ra thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân thì phải xem xét. Nếu có vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh thì phải điều tra xử lý nghiêm. Vi phạm hình sự thì xử lý hình sự”.
Kết luận của Bộ Công thương về kiểm tra hoạt động khảo sát nước mắm của VINASTAS cho thấy, có nhiều dấu hiệu bất minh, có mục đích vụ lợi; không bảo đảm tính độc lập, minh bạch; chỉ rõ “khảo sát chủ yếu do chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của VINASTAS phê duyệt và giám sát”, Hành vi công bố thông tin sai lệch của VINASTAS còn có dấu hiệu vi phạm Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất kinh doanh”. Hệ quả của hành vi trên đã rõ: Xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân sản xuất nước mắm. Vấn đề đặt ra là các bước xử lý những cá nhân, đơn vị có liên quan ra sao để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Cũng cần phải nêu, liên quan đến vụ nước mắm nhiễm độc, Bộ TT-TT đã xử lý các sai phạm; đã xử phạt 50 cơ quan báo liên quan đến vụ việc này với ba cấp độ: Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia; Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng; Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là bài học nhớ đời trong công tác báo chí - truyền thông. Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, đây cũng chỉ là “phần nổi” của vấn đề; còn kẻ đứng đằng sau, “kẻ núp bóng” gây ra vụ việc rất nghiêm trọng này đến nay vẫn chưa được chỉ mặt, đặt tên và xử lý tương ứng với hành vi gây ra.
Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế lấy con người làm vị trí trung tâm, phục vụ cộng đồng - xã hội; các doanh nghiệp có quyền cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Chúng ta không chủ trương xây dựng một nền kinh tế “hoang dã” kiểu cá lớn nuốt cá bé, bắt người tiêu dùng làm “con tin” với các chiến dịch truyền thông dội bom về các sản phẩm doanh nghiệp khác độc, hại nhằm mưu lợi; độc chiếm thị phần cho riêng đơn vị nào đó. Vì vậy, vụ việc công bố thông tin sai sự thật về nước mắm truyền thống nhiễm arsen cao, là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng; cần chỉ rõ, xử lý tận gốc kẻ giấu mặt “chơi bẩn”. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm công bố kết quả cuộc điều tra, khởi tố vụ án; khởi tố những cá nhân, tổ chức chủ mưu mới đủ sức răn đe, thiết lập kỷ cương phép nước, để các vi phạm tương tự không còn tái diễn.
LÊ THÚY PHƯƠNG