Cảnh báo gia tăng những trò lừa đảo

Theo Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ, những trò lừa đảo qua mạng, qua tin nhắn điện thoại đã khiến người dân Mỹ mất 5,8 tỷ USD trong năm 2021. Con số này tăng 70% so với năm 2020. Tuy nhiên, “kinh tế lừa đảo” không chỉ dừng lại ở thiệt hại về vật chất…
Pamela McCarroll (trái), một nạn nhân của các trò lừa đảo. Ảnh: WASHINGTON POST
Pamela McCarroll (trái), một nạn nhân của các trò lừa đảo. Ảnh: WASHINGTON POST

Stress nặng

 Pamela McCarroll, 30 tuổi, ở hạt Fairfax, bang Virginia phải điều trị ung thư ruột kết dài hạn. Bác sĩ hay bệnh viện sẽ gọi điện thông báo kết quả xét nghiệm, hoặc xếp lịch hẹn khám bất cứ lúc nào nên cô luôn phải “kè kè” điện thoại bên mình. Vậy nhưng, mỗi ngày cô phải nhận đến 20 cuộc gọi rác, khiến cô bị stress nặng. Kể từ khi bị chẩn đoán ung thư vào tháng 8-2019, số lượng các cuộc gọi “rác”, lừa đảo liên quan đến bệnh tật như chăm sóc y tế, phúc lợi tăng chóng mặt. “Thậm chí tôi còn nhận được các cuộc gọi về bảo hiểm tang lễ. Thật sự rất mệt mỏi. Tôi bị ung thư và họ không cần làm tôi đau đớn thêm nữa”, McCarroll chia sẻ. 

McCarroll nằm trong số hàng triệu người dân Mỹ đang phải đối mặt với các cuộc gọi “rác”, lừa đảo mỗi ngày. Công nghệ mỗi ngày một phát triển, trong khi việc ngăn chặn lại chậm chạp. Chính việc đình trệ trong ngăn chặn các hành vi lừa đảo qua điện thoại, qua internet càng khiến các trò lừa đảo bùng nổ.

Theo thống kê từ RoboKiller, một ứng dụng tự động sàng lọc các cuộc gọi trên điện thoại, mỗi chủ sở hữu thuê bao ở Mỹ trung bình sẽ nhận khoảng 42 tin nhắn và 28 cuộc gọi rác mỗi tháng. Số điện thoại và địa chỉ email được các công ty hoạt động trong ngành “công nghiệp lừa đảo” mua đi bán lại. Thế nên, bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp những tin nhắn lừa đảo dạng như: Công ty chuyển phát UPS gửi một đường link giao hàng, một cuộc điện thoại được ghi âm về bảo hành ô tô, hay dịch vụ khách hàng của Amazon hoặc Apple yêu cầu đăng nhập tài khoản, một người lạ nhắn tin cho người dùng Whatsapp nói chuyện phiếm… 

Các chuyên gia sức khỏe về tâm thần cho rằng, không kể thiệt hại về kinh tế, những người không bị mất một đồng nào cho những trò lừa đảo cũng phải trả giá đắt về mặt tinh thần. Những trò lừa đảo liên tục, lặp đi lặp lại có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng và ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ. Tác động tiêu cực của chúng với sức khỏe tâm thần trở nên tồi tệ hơn khi các đối tượng chúng nhắm đến là những người cao tuổi, người cô đơn hoặc bị bệnh tật như McCarroll. Sự lo lắng, mệt mỏi của những người bị các trò lừa đảo tấn công có thể “lây lan” sang người thân trong gia đình, những người cũng đang lo lắng cho sức khỏe của người bị lừa đảo.

Nạn nhân… bất kỳ ai

 Tuy nhiên, ngay cả những người tưởng chừng như được trang bị tốt để tránh lừa đảo cũng có khả năng sập bẫy. Gia đình Irene Kenyon là trường hợp như vậy. Irene là Giám đốc tình báo của Công ty FiveBy chuyên về đánh giá rủi ro, trong khi cha cô có 2 bằng thạc sĩ về kỹ thuật. Năm 2017, Irene nhận được một cuộc điện thoại đầy hoảng loạn từ mẹ mình, thông báo về việc cha của cô mua một thẻ quà tặng trị giá 6.000 USD cho một kẻ gọi điện tự xưng là cháu trai của họ. Người đàn ông trong điện thoại cho biết đang ở trong tù và cần được bảo lãnh. Đến khi Irene gặp được bố của mình thì mọi chuyện đã quá muộn. Ông đã đọc số thẻ quà tặng qua điện thoại cho “cháu trai” của mình. “Những kẻ lừa đảo đã dùng đòn tâm lý khi chúng biết có một thực tế rằng, ông bà luôn yêu thương cháu của mình rất nhiều, đến mức họ không cần quan tâm đến tính logic của sự việc”, Irene nói. 

Vào thời điểm xảy ra sự việc, cả gia đình Irene bị căng thẳng. Để tránh những sự việc tương tự xảy ra, giờ đây, họ nói chuyện với nhau hàng ngày và sẽ lưu ý đến những điều đáng ngờ. Irene đã dặn cha mẹ của cô không trả lời bất cứ cuộc gọi nào không xác định cũng như kiểm tra kỹ nội dung gửi qua email. Dù vậy, Irene cho biết, cha mẹ cô vẫn bị ám ảnh bởi vụ lừa đảo và họ luôn trong trạng thái sợ hãi, có thể tiếp tục bị lừa bởi chiêu trò tinh vi khác. Chính điều này khiến Irene giờ cũng luôn trong tâm trạng lo lắng cho cha mẹ “cả ngày lẫn đêm”.

Trên thực tế, có những trò lừa đảo mà mọi người có thể dễ dàng phát hiện như địa chỉ email sai chính tả, hoặc không nhận những cuộc điện thoại không xác định. Tuy nhiên, có những chiêu trò tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ cao rất khó để phát hiện khi cho phép kẻ lừa đảo giả mạo cuộc gọi từ số điện thoại là người thân quen của người bị lừa đảo. 

Đó là trường hợp của Renee, một người mẹ có 2 cô con gái. Vào một buổi đêm, vợ chồng Renee nhận được một cuộc điện thoại từ cô con gái lớn. Trong điện thoại là tiếng của một người đàn ông đang tỏ ra bị kích động, cho biết đang giữ con gái của Renee làm con tin và sẽ giết cô gái nếu Renee không trả tiền chuộc. Renee kinh hãi thật sự nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để thu thập thêm thông tin từ kẻ bắt cóc. Đồng thời, họ cũng báo cho cảnh sát để đến nhà của con gái họ kiểm tra. Khi cảnh sát đến nơi, con gái của Renee vẫn an toàn và cô gái hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo đã giả mạo số của con gái Renee. Sự việc kết thúc, Renee bị sang chấn tâm lý. 

Theo Giáo sư Matthew Mimiaga của Đại học California, những tổn thương về tinh thần như Renee rất phổ biến, bởi mức độ hài lòng với cuộc sống của các nạn nhân bị sụt giảm, trong khi sự lo lắng thì tăng cao. Sự lo lắng kéo dài của họ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần khi họ luôn có cảm giác bồn chồn, đau đớn hoặc cẳng thẳng. Điều này ảnh hưởng đến thể chất và chất lượng cuộc sống khi các nạn nhân luôn thấy mệt mỏi, khó tập trung hoặc thậm chí xuất hiện những cơn đau đầu và những đau đớn khác trên cơ thể mà không rõ nguyên nhân.

Nhằm ngăn chặn các trò lừa đảo, năm 2019, các nhà mạng lớn của Mỹ đã thống nhất sử dụng công nghệ STIR/SHAKEN để xác thực ai đang gọi điện, nhằm giảm các cuộc gọi tự động và các số thuê bao giả mạo. Các nhà sản xuất điện thoại cũng giải quyết vấn đề bằng tính năng dán nhãn cuộc gọi “có thể là spam” (rác). Các công ty tạo ra ứng dụng thoại như RoboKiller cũng đang phát triển những ứng dụng giúp người dùng sàng lọc tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo. Tuy nhiên, Chester Wisniewski, nhà khoa học tại công ty bảo mật Sophos, cho biết những kẻ lừa đảo luôn tìm cách để thích nghi và có những mục tiêu mới để theo đuổi. Thế nên, “kinh tế lừa đảo” rất khó để ngăn chặn.

Tin cùng chuyên mục