Mặc dù giá dầu thô đã giảm xuống dưới mức 50 USD/thùng, nhưng các công ty năng lượng và dầu khí Mỹ vẫn tiếp tục lên kế hoạch khai thác.
Tuy nhiên, theo tờ Wall Street của (Mỹ), mức vay nợ của các công ty này đã tăng 55% kể từ năm 2010, lên gần 200 tỷ USD và để có khả năng thanh toán số nợ đó, họ buộc phải tiếp tục khai thác. Tại thời điểm năm 2010, tổng nợ của các công ty khai thác dầu khí của Mỹ là 128 tỷ USD. Tính đến hết quý IV-2014, số nợ của những công ty này đã lên tới 199 tỷ USD.
Cũng theo Wall Street, hiện đã xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng trong ngành dầu khí Mỹ khi nguồn thu không thể đủ để thanh toán nợ. Hôm 4-1, công ty khoan dầu tư nhân ở bang Texas WBH Energy LP cùng một số đối tác đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Các chuyên gia năng lượng cảnh báo sẽ còn có nhiều vụ phá sản nữa trong thời gian tới vì các công ty khai thác dầu khí này không có đủ năng lực đối phó với tình trạng giá dầu sụt giảm hiện nay.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng trung ương châu Âu (EU) quyết định đưa giá dầu vào diện theo dõi đặc biệt. Còn phân tích của Bank of America Merrill Lynch cho rằng trong ngắn hạn, giá dầu Brent giao dịch tại London (Anh) - giá dầu chuẩn có liên hệ mật thiết tới giá dầu Nga - sẽ giảm xuống mức 40 USD-thùng, khiến các nhà xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Saudi Arabia, không còn cách nào khác là buộc phải cắt giảm sản lượng.
Theo chuyên gia phân tích Walter Zimmerman của United-ICAP (Mỹ), người từng dự báo giá dầu giảm trong năm 2014, việc dầu tiếp tục giảm giá là quyết định cảm tính chứ không liên quan tới cung cầu. Ông lưu ý nếu giá dầu giảm xuống dưới mức 39 USD/thùng, thì sau đó nó có thể tụt xuống 30 USD/thùng. Nước được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu giảm sẽ là Philippines, theo đánh giá của Oxford Economics Ltd. Nền kinh tế nước này, với giá dầu ở mức 40 USD/thùng sẽ tăng trưởng 7,6% trong 2 năm, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong 2 năm sẽ giảm 2,5%.
Hạnh Chi