Cảnh báo tai nạn trong lao động

Liên tiếp trong thời gian gần đây, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM tiếp nhận và vận chuyển cấp cứu cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ) tại các công trường xây dựng, trong gia đình.  
Cảnh báo tai nạn trong lao động

Hiểm họa do bất cẩn

Thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, chỉ trong tháng 4, đơn vị này đã tiếp nhận hàng chục trường hợp chấn thương do ngã từ trên cao khi đang làm việc. Điển hình là vụ TNLĐ xảy ra lúc 15 giờ 23 phút ngày 18-4, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM nhận được cuộc gọi từ người dân báo có một ca ngã từ trên cao trong lao động tại quận 10. Nạn nhân tên C.V.P. (41 tuổi), người này đang tô tường ở độ cao khoảng 9m thì giàn giáo đột ngột sập xuống, anh ngã lên mái tôn của nhà bên cạnh.

Sau khi ngã, nạn nhân vẫn còn tỉnh táo, cánh tay trái và chân trái biến dạng, đầu sây sát nhẹ, chảy máu. Nhận được cuộc gọi, tổng đài viên đã nhanh chóng khai thác tình trạng nạn nhân, hướng dẫn cho người gọi các cách sơ cấp cứu ban đầu, song song đó, kíp trực cấp cứu 115 lập tức lên đường đến nơi, tiếp cận hiện trường, sơ cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện an toàn.

Cảnh báo tai nạn trong lao động ảnh 1 Một ca tai nạn lao động được bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện.
Ảnh: TRUNG TÂM CẤP CỨU 115 TPHCM

Theo các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115, hàng ngày đơn vị đều nhận được các cuộc gọi cấp cứu do TNLĐ, nguyên nhân chủ yếu của các ca TNLĐ hiện nay là do tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, dễ dẫn đến tai nạn ngã từ trên cao. Công nhân làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng dễ bị say nắng, mất nước; còn trời mưa thì trơn trượt gây té ngã. Bên cạnh sự chủ quan, lơ là của người lao động, còn có nguyên nhân từ việc thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động, như cố ý không chấp hành Luật An toàn vệ sinh lao động, thiếu quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn, không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, bố trí lao động làm việc không phù hợp.

Cần xử trí nhanh, đúng cách

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết hàng ngày bệnh viện đều tiếp nhận 2 - 3 trường hợp cấp cứu do TNLĐ, từ những ca tai nạn rất bình thường nhưng gây hậu quả nghiêm trọng như đồ đạc bị rơi trong lúc vận chuyển gây gãy tay, gãy chân… đến những ca TNLĐ nặng do làm việc trong môi trường thiếu an toàn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Hầu hết những trường hợp này đều không được sơ cấp cứu ban đầu, làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài của người lao động. 

Trong trường hợp TNLĐ, đồng nghiệp hay người chứng kiến cần tùy theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà có hành động phù hợp. Nếu chẳng may bị điện giật khi vận hành máy thì cần phải ngắt điện trước khi vào cứu bệnh nhân, kiểm tra bệnh nhân nếu thấy ngưng tim, ngưng thở thì gọi người giúp đỡ, tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực song song với việc đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất. Nếu ngã từ trên cao xuống thì phải cho bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cứng, giúp bệnh nhân bất động - nhất là cột sống cổ, nẹp cố định chi gãy. Nếu mất chi do máy cắt thì cần dùng garo cầm máu, cho chi bị cắt rời vào túi ni lông và cho túi vào thùng đá, không nên để chi tiếp xúc trực tiếp với đá. Nếu bị vật nhọn đâm xuyên thì không nên cố rút khỏi cơ thể, cần cố định và đưa đến cơ sở y tế gần nhất...

Còn theo bác sĩ Đồng Ngọc Hiền, Phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, khi không may xảy ra sự cố TNLĐ, cần khẩn trương gọi lực lượng chức năng hỗ trợ, tránh các tác động không cần thiết có thể gây tổn thương thêm cho bệnh nhân. Người phát hiện nên hô to để những người khác đến hỗ trợ, đồng thời gọi đến đường dây nóng 113 (an ninh trật tự), 114 (cứu hộ, cứu nạn, cháy) hoặc 115 (cấp cứu y tế) để được hỗ trợ. Khi đã kết nối được với lực lượng chức năng, người dân nên thực hiện theo các hướng dẫn của nhân viên công vụ, tránh tự ý xoay trở vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người bệnh.

Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, trong năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ TNLĐ, làm 927 người chết. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 10.500 tỷ đồng. Về bệnh nghề nghiệp, cơ quan chức năng đã khám và phát hiện hơn 7.200 trường hợp bệnh nghề nghiệp, tăng 2% so với năm 2018. Những mất mát về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại vật chất do TNLĐ là rất lớn, để lại những nỗi đau cho nhiều gia đình, tăng gánh nặng cho xã hội và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục