Những ai đã đến cột cờ Quốc gia phía cực Bắc Tổ quốc, nơi mỏm núi nhô lên hình chóp nón trong bản đồ Việt Nam, đều thấy xúc động, cũng muốn chụp ảnh để ghi lại sự hùng vĩ của núi rừng với lá cờ Tổ quốc thắm đỏ rực rỡ. Nhưng ít ai biết, người nghĩ ra việc làm lá cờ 54m² tượng trưng cho 54 dân tộc anh em mà ngày nay đang treo trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một phóng viên ảnh của TTXVN, nhà báo Vương Văn Phát, người dân tộc La Chí.
Dấu ấn thiêng liêng
Theo truyền thuyết của người Lô Lô (hiện sống nhiều ở Lũng Cú) thì năm xưa, khi Vua Quang Trung rượt đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi, để khẳng định chủ quyền nước Nam, nhà vua cho đặt chiếc trống đồng rất to gọi là Long Cổ (sau này đọc trại đi thành Lũng Cú) và lệnh, cứ mỗi khắc giờ lính canh sẽ gióng lên hồi trống dài, khẳng định biên giới và chủ quyền của nước Nam. Nơi đặt trống của Vua Quang Trung ngày xưa nay là Trạm Biên phòng tiền tiêu của đồn Lũng Cú. Cũng theo bà con người Lô Lô, việc dùng cây sa mộc làm cột cờ tại đây xuất phát từ chuyện Tướng quân Lý Thường Kiệt đuổi quân Tống khỏi dãy núi Rồng, ngài lấy cây sa mộc già nhất khu rừng và khắc lên bài hịch lưu danh muôn thuở “Nam quốc sơn hà” trên mặt thân cây vạt phẳng, cắm tại Lũng Cú. Và mới đây thôi, khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, trong những ngày tháng ác liệt nhất tại Hà Giang, tại cứ điểm 106 của bộ đội (chốt tiền tiêu của đồn biên phòng Lũng Cú), bộ đội ta đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ lá cờ Tổ quốc luôn bay cao giữa bom đạn mịt mù để bảo vệ biên giới quê hương.
Toàn cảnh cột cờ Quốc gia Lũng Cú hôm nay
Ngày 2-9-2010, cột cờ Quốc gia (hiện nay) được khánh thành tại đỉnh núi Rồng, ở độ cao 1.468m so với mặt nước biển theo mô hình cột cờ Hà Nội. Nơi đây, lá cờ Tổ quốc diện tích 54m², được treo trên cột bằng sắt cao 33,15m, thân cột được thiết kế theo hình bát giác, mỗi cạnh có hình trống đồng và phù điêu bằng đá xanh, minh hoạ các giai đoạn lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Kể dài dòng để khẳng định - nơi vùng núi hình “chóp nón” kia, cột cờ Lũng Cú hôm nay không chỉ có ý nghĩa về chính trị, cứ điểm quan trọng trong quân sự mà còn là “cứ điểm lòng dân” bao đời qua.
Vẽ cờ Tổ quốc giữa không gian
Tháng 9-2000, nhân chào mừng Thiên niên kỷ mới, cột cờ tại Lũng Cú, vốn được làm bằng thân cây sa mộc, đã được thay bằng ống thép to cao 12m, chôn chặt trên bệ xi măng hình bát giác, lá cờ có chiều dài gần 4m. Nhà báo Vương Văn Phát kể, khánh thành cột cờ thì lá cờ Tổ quốc là trung tâm tấm ảnh; nhưng rọi ảnh ra, thấy “lá cờ bé như con tem” giữa khung cảnh hùng vĩ của núi sông; ngắm ảnh, ông cảm thấy không hài lòng. Ông Phát lấy bút tự vẽ thử một lá cờ to hơn vào vị trí lá cờ trong ảnh.“Tại sao là 9x6m ạ?”, tôi hỏi. Ông hào hứng kể - Mình là phóng viên ảnh, tỷ lệ lý tưởng nhất cho bức ảnh đẹp là 9x6. Và, ông đã bật cười to với sự trùng khớp thiêng liêng khi nhân nhẩm: “9x6 là 54, nước mình có 54 dân tộc”. Nghĩ là làm. Ông quyết định dành một tháng lương để thực hiện cờ Tổ quốc theo tỷ lệ 9x6m. Ông đến cô thợ may quen ở gần nhà để nói về “dự án” may lá cờ Tổ quốc diện tích 54m². Cô thợ may la toáng “Cờ to thế sao em may được. Lụa đỏ ở Hà Giang làm gì có mà anh bảo em mua hàng trăm mét thế?”. Ông tâm sự với vợ việc mua lụa đỏ. Bà bảo lụa nhiều thế phải gửi về Hà Nội mua mới đủ số mét cần có. Lụa mang lên Hà Giang, ông Phát và cô thợ may vật lộn với hàng trăm mét lụa, hì hụi đo, may, gắn sao vàng cho đúng quy cách.
Nhà báo Vương Văn Phát (bên phải) và Đại tá Nguyễn Ngọc Châu. Ảnh: Cát Bình
Nghĩ ra lá cờ tỷ lệ đẹp thế, may xong lá cờ càng cảm thấy lòng xúc động và quyết tâm cao lắm. Để có thể thượng lá cờ 54m² lên cột cờ ở Lũng Cú, thay cho lá cờ có trước đó; ông Phát đã gặp Bí thư huyện Đồng Văn Trần Quang Hà để trình bày và thuyết phục bằng nhiều lý lẽ. Bí thư Huyện ủy tham khảo ý kiến với Đồn trưởng biên phòng Lũng Cú, Đại úy Nguyễn Ngọc Châu (hiện ông Châu là Đại tá Trưởng phòng Chống ma túy và tội phạm của BCH Biên phòng tỉnh Hà Giang). Sau đó Bí thư Huyện ủy Trần Quang Hà đồng ý cho ông Phát thay lá cờ mới vào cột cờ Lũng Cú.
Tháng 12-2000, cờ may xong, ông Phát đến bàn chuyện treo cờ với Đại úy Đồn trưởng Châu. Hà Giang giữa mùa đông rét cắt da và gió rất mạnh. Tại cột cờ, ba chiến sĩ khỏe nhất đồn biên phòng Lũng Cú dùng dây nịt lưng làm dây đai an toàn, leo lên đỉnh cột để thay cờ. Một chiến sĩ đeo ba lô chứa cờ mới nặng gần 10kg. “Hôm ấy tự dưng gió quá, nhìn ba chiến sĩ cứ đu trên cột cao tháo xong lá cờ cũ, tôi và anh Châu thở nhẹ, nghĩ đã được một nửa công đoạn rồi. Nhưng không phải thế. Khi lá cờ mới được kéo ra khỏi ba lô treo lên mới gian nan làm sao”, ông Phát xoa nhanh gương mặt khi nhớ lại cảnh xưa.
Tháng 12 rét buốt tê người, gió đông lại hay đổi chiều nên ba chiến sĩ biên phòng uốn mình cố rút lá cờ mới trong ba lô ra gặp gió đến; lá cờ bung to như một cánh buồm đỏ no gió cứ đẩy, kéo các chiến sĩ biên phòng ra khắp hướng khiến cây cột sắt uốn éo lung lay. Thấy ba cậu lính trẻ có vẻ bất lực với việc cột cố định “cánh buồm đỏ” căng gió phần phật vào cột cờ, Trưởng đồn Châu vội leo lên ứng cứu. Vội vàng quá nên ông Châu quên việc cởi dây lưng làm đai an toàn, Đại úy đồn trưởng bị gió đẩy quay qua trái rồi lại xô mạnh về phải, có lúc quay một vòng tròn…Cuối cùng, cờ cũng cột được vào đúng nơi cần cột. Bốn chiến sĩ biên phòng đỏ phồng mảng da bụng, tuột cả da tay; nhưng khi ngồi dưới chân bệ cờ, nhìn lên lá cờ uốn bay nhẹ trong gió đỏ rực một khoảng trời mùa đông. Họ cảm thấy hạnh phúc tràn về.
Lại nói về phóng viên ảnh Vương Văn Phát. Sau khi cờ treo xong, ông vội vã chạy xuống chân núi, tìm một mỏm đá cao, cheo leo tìm vị trí đẹp để chụp bức ảnh lá cờ to nhất từ xưa tới giờ nay tại Lũng Cú. Ông chụp kiểu ảnh đầu tiên trong tâm trạng phấn chấn pha lẫn hồi hộp và xúc động rưng rưng. Và, những tấm ảnh màu đầu tiên chụp lá cờ 54m² được rọi ra đã khiến cả huyện rồi cả tỉnh trầm trồ, xuýt xoa, kinh ngạc.
Bức ảnh đầu tiên về lá cờ mang trong đó tình cảm của 54 dân tộc anh em do nhà báo Vương Văn Phát chụp được đăng trên báo ảnh Việt Nam năm 2000. Năm 2009, cột cờ Lũng Cú với lá cờ 54m² được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và Danh thắng quốc gia.
PHẠM THỤC