Cảnh giác

– Hết sữa đầu to đến thuốc thịt người, nghe mà rợn cả người ông ạ.

– Rợn thì có đến nỗi nào, chỉ sợ tui với ông cũng không ít lần “thưởng thức” các món này rồi đó chứ.

– Bắp cải chứa phọc-môn, xí muội tẩm chất độc, trái cây ngâm hóa chất đang lềnh khênh ngoài chợ, có thể tui không ít lần vô tình nếm qua, riêng cái món thuốc thịt người này sao mà lọt vô người tui được.

– Đừng nói chắc, người ta sản xuất là để… tung ra bên ngoài, người nhà họ không sử dụng. Mà đã chủ ý tuồn lậu ra ngoài thì cẩn thận cách mấy ông cũng dính chấu. Ông bạn bên cạnh có hệ thống kiểm soát chặt chẽ, tinh vi đến cỡ nào nhưng hàng loạt lô thuốc thịt người vẫn lọt qua được, giờ dân tình ở đó ai nấy hoang mang kìa.

– Ừ nhỉ, người ta văn minh hiện đại hơn mình mà cũng dính, không khéo nhà mình cũng đã và đang tiêu thụ cái món thuốc không dám gọi tên này rồi. Mà ông nghĩ coi, kinh doanh thì phải có đạo đức, vậy mà suốt ngày mình cứ phải lo ngai ngái để chống chọi với mấy món hàng như trái táo tẩm độc của mụ phù thủy trong chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn này hoài thì còn hơi sức đâu làm việc nữa hả ông.

– Thì vậy nên mình phải cảnh giác. Tay hàng xóm này sản xuất mấy món độc nhất vô nhị trên thế giới đó đâu hẳn để kinh doanh. Món nào ăn vô cũng dẫn đến bệnh tật, chết người thì ông biết mục đích rồi đó. Vậy nên cảnh giác là trên hết ông ạ.

Tư Quéo

Tin cùng chuyên mục