Cảnh giác tai nạn điện trong mùa mưa

Ngày 31-5-2016, một bé trai đã bị tử vong khi đạp xe dạo chơi ở khu công viên biển xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, bị vướng vào đường dây điện hở sà thấp xuống đất trước nhà hàng Ba Cơ, thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh.
Cảnh giác tai nạn điện trong mùa mưa

Ngày 31-5-2016, một bé trai đã bị tử vong khi đạp xe dạo chơi ở khu công viên biển xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, bị vướng vào đường dây điện hở sà thấp xuống đất trước nhà hàng Ba Cơ, thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh.

Đã có nhiều tai nạn điện đau lòng như vậy, nên nhiều người dân đang rất lo ngại về tình trạng thiếu an toàn điện trong mùa mưa.

Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn điện tại nhà dân

Tai nạn điện không chừa ai

Trước đó, ngày 26-5-2016, khi phụ trộn bê tông để đổ trụ tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, một em học sinh lớp 11 vướng dây điện bị giật chết tại chỗ. Tại TPHCM, chiều ngày 1-4-2016, 2 thợ hàn đang chuyền nhau thanh sắt dài 5m từ dưới đất lên lầu 3 căn nhà trên đường Hùng Vương, quận 5, để sửa chữa. Người thợ phía trên nắm được thanh sắt thì phần đuôi vướng vào đường dây trung thế 110kV, khiến điện bị chập nổ, anh bị giật văng ra sàn, thân thể cháy xém nhiều chỗ.

Không riêng gì người dân, cả công nhân ngành điện lực cũng đã có những trường hợp rủi ro gặp tai nạn điện tử vong. Ngày 17-4-2016, cũng tại thành phố Tam Kỳ, một công nhân ngành điện đã bị điện giật tử vong khi leo lên trụ điện để nâng cấp đường dây. Điều rất đáng tiếc là điện toàn khu vực này đã bị cắt để công nhân thay đường dây mới, vậy mà vẫn còn rò điện khiến nạn nhân bị giật chết dính trên đường dây. Một công nhân ngành điện ở Kiên Giang cũng bị thiệt mạng khi đang làm việc trên lưới. Và mới đây, chiều ngày 27-5-2016, tại ấp 4 xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM, bị mất điện một pha, một nhân viên Công ty Điện lực Hóc Môn tới leo lên trụ điện xử lý sự cố lúc trời đang mưa, đã bị phóng điện thiệt mạng.

Theo số liệu từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam, trong năm 2015, tại 21 tỉnh, thành phía Nam đã xảy ra 27 vụ tai nạn điện làm chết 8 người, 27 người bị thương. Đa số các vụ tai nạn điện đã xảy ra trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở và công trình; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu…

Cẩn trọng vẫn không thừa

 

* Người dân cần lưu ý: không chạm vào trụ điện, thùng điện kế; không tự ý tháo gỡ các dây điện, thanh giằng, dây néo, dây nối đất. Khi bị ngập nước hoặc mưa tạt, nên ngắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị ngoài trời có sử dụng điện như biển quảng cáo, biển hiệu. Nếu phát hiện trụ điện ngã, dây điện đứt, thì tìm cách lập rào chắn để cô lập và báo ngay cho tổng đài 1900 545454 để ngành điện xử lý.

 

Trả lời câu hỏi ngành điện đã làm gì để phòng tránh các tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa năm nay, ông Mai Hiếu Thảo, Trưởng ban An toàn, thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, cho biết: “Ngay từ đầu tháng 5, tổng công ty đã có nhiều văn bản đôn đốc các công ty trực thuộc phải tiến hành kiểm tra độ an toàn hệ thống lưới điện, phát hiện và xử lý các bộ phận công trình điện có khả năng gây rò, chạm chập. Cụ thể, kiểm tra các lưới điện cao, trung và hạ thế; dây điện mắc ngang đường; dây điện vào các hẻm; dây điện câu chuyền. Đồng thời kiểm tra các trụ điện, thùng cầu dao, thùng điện kế, dây chằng, móng trụ, đặc biệt là tại các khu vực thường xảy ra ngập. Chú ý thay ngay các tủ điện gỉ sét, tủ phân phối điện có nguy cơ rò điện tại các trường học, cơ sở nuôi dạy trẻ, khu vui chơi giải trí, các chung cư…”.

Các thông tin hướng dẫn sử dụng điện an toàn đã được ngành điện phối hợp với chính quyền địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người dân chủ quan, thờ ơ với các khuyến cáo, tự đặt mình vào nguy cơ tai nạn điện, như lắp đặt ăng ten, dây phơi, giàn giáo xây dựng… gần các công trình lưới điện cao thế và trung thế; trú mưa ở các trụ điện hay trạm điện. 

Khi xảy ra sự cố mất điện, người dân nóng lòng được tái lập nguồn điện, do vậy, dù quy định thời gian tái lập nguồn điện không quá 2 giờ, ngành điện lực đang cố gắng rút ngắn thời gian tái lập không quá 75 phút. Điều này trở thành áp lực đối với công nhân kỹ thuật ngành điện, đặc biệt vào mùa mưa bão, làm sao xử lý sự cố an toàn và đúng quy trình. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết: “Với những sự cố mất điện đơn giản, anh em khắc phục nhanh hơn thời gian quy định. Nếu sự cố phức tạp, sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, như phải thay trạm biến áp thì chúng tôi sẽ thông báo cho khách hàng biết. Vì theo quy định khi trời đang mưa thì không cho phép lên trụ thao tác. Tính mạng con người là quan trọng”.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục