Nhiễm trùng vết mổ, hô hấp và tiêu hóa là 3 loại nhiễm trùng phổ biến trong các bệnh viện hiện nay. Tình trạng này đang khiến mỗi năm có trên 600.000 bệnh nhân mắc phải và không ít trong số đó phải nằm viện kéo dài, tốn tiền điều trị. Trong khi đó, không ít bác sĩ kê đơn thuốc với nhiều loại kháng sinh liều cao khiến vi khuẩn bệnh viện (BV) ngày càng đa kháng thuốc.
Theo PGS-TS Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, nhiễm trùng chủ yếu được gây ra bởi những loại vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn, vi nấm và virus. Những vi sinh vật này có thể phát triển ngay trong khi bệnh nhân nằm viện hoặc sau đó. Điều này đã làm cho BV trở thành một nơi đầy mầm bệnh. Bệnh nhân là đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm trùng bởi lẽ họ đã bị suy yếu vì bệnh tật, thương tổn hoặc sức đề kháng giảm, nhất là đối với trẻ sơ sinh, người cao tuổi. Những loại nhiễm trùng gây tử vong cao nhất là viêm phổi, nhiễm trùng máu…
Kết quả một cuộc khảo sát hàm lượng vi sinh vật có trong không khí của 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 BV ở TPHCM mới đây cho thấy tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn là 78,8%. Còn theo TS Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội đồng Chống nhiễm khuẩn TPHCM, nhiễm trùng bệnh viện tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Phòng mổ không tiệt trùng cũng sẽ có vi khuẩn. Vi khuẩn có thể có trong những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, áo của phẫu thuật viên, tay nắm cửa phòng, người nhà ra vào tiếp xúc với bệnh nhân và ngay cả những dụng cụ trong phòng bệnh nhân hoặc máy điều hòa không khí lâu ngày không lau rửa…
Tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định, qua khảo sát ghi nhận tỷ lệ viêm phổi bệnh viện do thở máy là gần 60%. Trong đó, tỷ lệ viêm phổi do Klebsiella Pneumoniae khoảng 50%, viêm phổi do E.coli chiếm gần 27%, viêm phổi sau mổ do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa (vi khuẩn mủ xanh) gây ra chiếm 20% và thấp nhất là do vi khuẩn Acinetobacter Baumannii (3,33%). Có hơn 93% mẫu đàm phân lập được vi khuẩn là đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị trước khi có kháng sinh đồ.
Trong khi đó, việc bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh vô tội vạ cho người bệnh, người dân tự do sử dụng thuốc kháng sinh và nhà thuốc vô tư bán cho người bệnh không cần hóa đơn đang khiến cho nguy cơ đa kháng thuốc của vi khuẩn càng cao và thực sự báo động. Theo Vụ Điều trị (Bộ Y tế), hầu hết các thuốc kháng sinh hiện nay đã bị kháng từ thấp đến cao (30% - 80%). Đáng kể nhất là vi khuẩn phế cầu S.pneumoniae ngày càng tăng, đề kháng với các loại kháng sinh Erythromycin và Trimoxazol là trên 70%, với Chloramphenicol là 35,6%. Đối với vi khuẩn E.coli (thường gây bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường huyết), tỷ lệ kháng thuốc Ampicillin là 88%, Amoxycillin là 38,9%, Chloramphenicol, Trimoxazol là trên 50%... Đặc biệt, hiện vi khuẩn Klebsiella đã kháng hoàn toàn với kháng sinh Ampicillin.
Việc người dân hễ nhức đầu, sổ mũi là ra nhà thuốc mua các loại kháng sinh đã được các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh trầm trọng tại Việt Nam. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh còn khiến 70% trẻ nhiễm trùng sơ sinh không điều trị được, 67% tử vong do vi khuẩn kháng thuốc, trong khi chỉ có 26% đáp ứng với thuốc...
QUỲNH CHI