Canh giữ Vườn chim Bạc Liêu

Trời dần về sáng, ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Vườn chim Bạc Liêu, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, khẽ gọi một vài anh em đang mệt lả vì thức đêm ở bàn trực (phòng cháy chữa cháy rừng). “Tới giờ đi kiểm tra rừng rồi các vị lính canh ạ!”, ông Chánh thúc giục anh em trong ca trực. Dù rất khẽ, nhưng cái giọng hơi “khàn khàn” của ông Chánh cũng đánh thức được mọi người.
Canh giữ Vườn chim Bạc Liêu

Trời dần về sáng, ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Vườn chim Bạc Liêu, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, khẽ gọi một vài anh em đang mệt lả vì thức đêm ở bàn trực (phòng cháy chữa cháy rừng). “Tới giờ đi kiểm tra rừng rồi các vị lính canh ạ!”, ông Chánh thúc giục anh em trong ca trực. Dù rất khẽ, nhưng cái giọng hơi “khàn khàn” của ông Chánh cũng đánh thức được mọi người.

Không ai trả lời câu giục của ông Chánh, nhưng tất cả mọi người đều hiểu mà thực thi nhiệm vụ của mình. Chúng tôi tháp tùng cùng đoàn của ông Chánh đi thăm, động viên và nhắc nhở anh em tại các chốt canh lửa trong vùng lõi Vườn chim Bạc Liêu. Trên đường đi, ông Chánh giải thích vội 2 từ “lính canh” đó là cái tên thân thiết mà người dân sống quanh vùng lõi Vườn chim Bạc Liêu đặt cho các nhân viên của vườn.

Chỉ trong tích tắc, chúng tôi đã có mặt tại 4 chốt canh lửa và 1 chốt cơ động. Điều làm chúng tôi khâm phục nhất là ở tất cả các chốt, anh em đều nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ dù trên nét mặt từng người biểu lộ rõ sự mệt mỏi. Kết thúc cuộc kiểm tra tại các chốt canh ở Vườn chim Bạc Liêu, chúng tôi trở về trụ sở chính của vườn chim cũng là lúc trời đã sáng. Thế là một ngày mới làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của những người ở Vườn chim Bạc Liêu lại bắt đầu.

  • Tích nước giữ rừng

Suốt buổi tiếp chuyện với chúng tôi, ông Chánh luôn thể hiện niềm vui, niềm tự hào vì bản thân ông và tất cả các nhân viên ở đây đang chung tay cùng nhau giữ cho “lá phổi” giữa lòng TP Bạc Liêu mãi xanh. Ông Chánh bảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia. Nó có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt khoa học, văn hóa, xã hội và lịch sử, góp phần cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường trong lành cho sự sống nói chung của con người.

Do đó Ban quản lý (BQL) vườn chim luôn xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ hàng đầu. “Bằng mọi giá chúng tôi cũng phải giữ cho được rừng, nhất quyết không để xảy ra thảm họa cháy rừng trên toàn lâm phần vườn chim”- vị giám đốc này khẳng định.

Nhân viên BQL vườn chim túc trực trên chòi canh 24/24.

Nhân viên BQL vườn chim túc trực trên chòi canh 24/24.

Vườn chim Bạc Liêu nằm trên địa bàn phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, với tổng diện tích tự nhiên hơn 388ha, trong đó khu xung yếu nghiêm ngặt khoảng 130ha và vùng đệm quy hoạch mở rộng hơn 258ha. Vườn có 104 loài thực vật đặc hữu, có khoảng 100 loài chim, trong đó có 9 loài chim quý nằm trong sách đỏ Việt Nam. Vườn tồn tại cách đây hơn 1 thế kỷ, là khu căn cứ cách mạng thời kỳ chống Mỹ và là một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách xa gần.

Trong những năm qua nhờ làm tốt công tác PCCCR nên chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra. Có được thành tích này là nhờ sự lãnh đạo, quan tâm sâu sắc của các cấp ở Bạc Liêu, sự phấn đấu của BQL và nhân viên Vườn chim Bạc Liêu. Chia sẻ kinh nghiệm giữ rừng của mình, ông Nguyễn Trung Chánh nói: “Để bảo vệ được rừng thì nhất thiết phải trữ được nước trong rừng. Chứ nếu có máy móc chữa cháy hiện đại mà không có nước thì cũng chịu thua”.

Nhớ lại những ngày đâu khi mới về nhận nhiệm vụ tại Vườn chim Bạc Liêu, ông Chánh hồi tưởng: “Vào tháng 3-2009 tôi về nhận nhiệm vụ tại đây, suốt 4 năm qua vấn đề tôi chú trọng nhất vẫn là công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ thiết thực cho PCCCR. Ngoài nguồn kinh phí được cấp trên phê duyệt, chúng tôi còn tranh thủ nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức, đơn vị nước ngoài để đầu tư phát triển hệ thống kinh mương. Nhờ vậy mà hiện tại chúng tôi vẫn còn được nguồn nước dự trữ khá lớn trong vườn chim dù mùa khô đang diễn ra rây rắc”.

Trong những năm qua, BQL Vườn chim Bạc Liêu đầu tư nạo vét các con kinh dẫn nước với chiều dài hơn 4.000m, ngang 8m, sâu 1m. Hiện vườn chim có 4.600 kinh bờ bao, ngoài ra còn có 54 con kinh lớn nhỏ khác.

Để có được nguồn nước quanh năm trong khu vực vườn chim, BQL đã chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn túc trực lấy nước vào hàng ngày khi thủy triều lên. Ngay từ đầu mua khô, BQL vườn chim xây dựng xong phương án PCCCR, với phương án 4 tại chỗ, theo phương châm “Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời và triệt để”. Nâng cao năng lực chỉ huy PCCCR, tuyên truyền nhận thức về PCCCR sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Xây dựng, cũng cố, kiện toàn lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và chính quyền địa phương góp phần thực hiện có hiệu quả PCCCR. Phân công, bố trí lực lượng luân phiên túc trực 24/24.

  • Vận động là chính

Ngoài việc chuẩn bị tốt các khâu về PCCCR, BQL Vườn chim Bạc Liêu còn đặc biệt quan tâm đến vận động người dân sống quanh khu vực có rừng tham gia bảo vệ rừng. Nói về hiệu quả của việc vận động, ông Chánh cho biết: “Dân cư sống quanh vùng đệm khoảng 200 hộ, được vận động ký cam kết bảo vệ vườn chim. Lúc đầu cũng có hộ không tham gia ký cam kết, nhưng sau khi nghe giải thích về tác dụng của vườn nên ai nấy đồng tình”.

Ngoài việc vận động người dân tham gia, BQL vườn chim còn thành lập 4 đội thanh niên (hơn 40 người) tại các địa bàn ven vườn chim. Lực lượng này được tập huấn nghiệp vụ PCCCR, nhằm hỗ trợ đắc lực cho BQL vườn chim dập lửa khi có sự cố xảy ra.

Hỏi ông Chánh về kỷ niệm vui trong công tác vận động, ông nói vui: “Mình có cái tâm yêu quý rừng, cộng thêm với tuyên truyền liên tục ngày này sang ngày nọ riết rồi họ cũng thấm. Đi vận động là phải áp dụng phương châm mưa lâu thấm đất, mới hiệu quả”.

Ông Nguyễn Hoàng Thơi, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Vườn chim Bạc Liêu, nhắc lại chuyện cả BQL vườn đi vận động gia đình ông Năm Khoa, ngụ ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. “Cách đây mấy năm, gia đình Năm Khoa được ghi vào sổ bìa đen vì hành vi phá vườn chim. BQL phải nhiều lần vận động, thuyết phục, phân tích lợi ích chung cho Năm Khoa hiểu, sau đó ông mới chịu ký vào cam kết không phá rừng nữa”. Do gia cảnh nghèo nên các thành viên trong gia đình Năm Khoa chỉ biết vào vườn chim khai thác, bắt các loài chim đem bán mua gạo ăn. Nhờ sự kiên trì vận động của BQL mà Năm Khoa từ bỏ cái nghề phạm pháp này. “Nhớ có lần Năm Khoa lên tìm tôi trình bày sắp tới ngày giỗ ông bà mà không có tiền, ông ấy xin tôi cho bắt mấy con chim về làm thịt cúng tổ tiên. Thế là tôi phải phân tích lại cho Năm Khoa hiểu, rồi móc ví gởi ông ấy vài trăm ngàn đồng nhờ ông ấy mua đồ hộ về mà cúng ông bà”- ông Chánh nhớ lại.

Tuy không phải chịu nhiều khó khăn và thiếu thốn như ở các địa phương có rừng khác, nhưng vì nhiệm vụ tất cả anh em “lính canh” ở Vườn chim Bạc Liêu cũng ít khi được về nhà. Những ngày canh lửa giữa mùa khô, anh em truyền tai nhau bài thơ vui của anh Hồ Văn Nóc, nhân viên BQL Vườn chim Bạc Liêu: “Trèo lên mới biết độ cao/ Chín mét nhìn xuống thấy rừng xanh trong lòng/ Suốt ngày anh cứ ngóng trông/ Tình em “ánh lửa” đừng hồng nghen em!...”. 

PHÚC HƯNG

Tin cùng chuyên mục