Cạnh tranh giữa các nhóm cực đoan

Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với những hành vi cực kỳ dã man đang khiến thế giới lo ngại. Hơn thế nữa, việc một số nhóm khủng bố như nhóm Boko Haram ở châu Phi tuyên bố trung thành với IS càng gây bất an trên toàn cầu. Tuy vậy, theo bài viết của giáo sư Seth G. Jones đăng trên tờ Christian Science Monitor, các nhóm khủng bố hiện nay chưa thể đủ khả năng kết hợp thành một tổ chức khủng bố mang tính toàn cầu. Giáo sư Seth G. Jones thuộc Đại học Johns Hopkins và là giám đốc Trung tâm Chính sách quốc phòng và an ninh quốc tế của Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Rand, Mỹ.

Cách đây một năm, nhiều người nghi ngờ khả năng IS có thể xuất hiện ở Nam Á, nơi ra đời của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Khi đó, IS vẫn còn tập trung ở một khu vực nhỏ ở phía Tây Iraq, chiếm giữ các thành phố Fallujah và Ramadi cũng như chưa có mặt ở nhiều nơi khác trong vành đai Hồi giáo bất ổn, bao gồm cả Pakistan và Afghanistan. Nhưng kể từ nửa cuối năm 2014, IS bắt đầu cạnh tranh với al-Qaeda để thiết lập các mối quan hệ với các nhóm chiến binh ở hai nước Nam Á này và những nơi khác trên toàn cầu. Điều đó khiến dư luận thế giới lo ngại.

Những nhóm cực đoan khác do sức hút từ IS và al-Qaeda cũng trỗi dậy, lan rộng tầm hoạt động sang các khu vực mới ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Chúng ngày càng táo tợn trong việc giết người và giỏi hơn trong việc gây quỹ. Nhưng nếu một số nhóm có thể làm việc với nhau, tạo ra bóng ma của một chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới thì những bất đồng sâu sắc tồn tại giữa các nhóm sẽ ngăn cản chúng trở thành một mạng lưới toàn cầu.

Nhiều chiến binh Hồi giáo không đồng ý việc để các công dân phương Tây gia nhập các tổ chức này. Những người khác lại không đồng ý về quy mô và tính chất toàn cầu của tiểu vương quốc mà họ mong muốn thành lập. Trên hết, cách IS tấn công giết hại người Hồi giáo Shiite, giết luôn cả thường dân đã bị nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan lên án. Ngay cả các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng đánh nhau khốc liệt như tại Syria.

Điều quan trọng nữa là qua kết quả các cuộc thăm dò cho thấy các nhóm khủng bố cực đoan nhận được sự ủng hộ rất thấp của người dân các địa phương mà họ chiếm đóng. Các nhóm thánh chiến, chẳng hạn như tổ chức Ansar al-Sharia ở Libya, tồn tại mà không phải là thành viên của IS hay al-Qaeda cũng lâm vào tình trạng cát cứ. Sự gia tăng của các nhóm này đã buộc chúng phải cạnh tranh nhiều hơn để thu hút thành viên, tiền bạc và tạo ảnh hưởng.

So với al-Qaeda, IS ít phụ thuộc vào nguồn tiền từ các nhà tài trợ ở vùng Vịnh, thay vào đó là tiền từ các hoạt động như buôn lậu dầu, bán hàng hóa đánh cắp, bắt cóc, tống tiền và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công chống lại người Shiite hơn bất kỳ nhóm thánh chiến nào khác. Thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri từng viết thư cho một nhóm cực đoan tại Iraq - tiền thân IS - cảnh báo rằng các hành động khủng khiếp của IS là phản tác dụng. Sự khác biệt giữa IS và al-Qaeda đã đẩy chúng vào cuộc cạnh tranh khốc liệt và mang tính loại trừ nhau. Vì vậy, một chủ nghĩa khủng bố quốc tế mạnh hơn cả al-Qaeda chưa thể xảy ra.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục