Cạnh tranh trên nền tảng số

Sự nở rộ của các nền tảng OTT, dịch vụ xem video theo yêu cầu tạo nên cuộc đua hấp dẫn giữa các đơn vị sản xuất. Tất yếu, mỗi nền tảng phải tự xây dựng và phát triển các nội dung độc quyền để tạo thế mạnh riêng nhằm phục vụ khán giả tốt nhất có thể.  
Phim Mẹ ác ma, cha thiên sứ mở màn cho thương hiệu K+Original
Phim Mẹ ác ma, cha thiên sứ mở màn cho thương hiệu K+Original

“Mỗi cây mỗi hoa”

Từ ngày 27-12-2021, dự án Mẹ ác ma, cha thiên sứ (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) được trình chiếu độc quyền lúc 20 giờ thứ hai và thứ ba hàng tuần trên mọi nền tảng của truyền hình K+, gồm kênh K+CINE và app K+. Đây là bộ phim đầu tiên nằm trong thương hiệu K+Original. Đơn vị này cũng đang trong quá trình sản xuất dự án thứ 2, hợp tác với đạo diễn Victor Vũ mang tên Trại hoa đỏ. Từng là đơn vị đầu tiên đưa phim Việt chiếu rạp mới nhất lên màn ảnh nhỏ từ năm 2015, bà Trịnh Thủy Liên, Giám đốc nội dung K+, cho biết: “Tính cạnh tranh mạnh mẽ đòi hỏi chiến lược nội dung của K+ cần thiết phải có những nội dung độc quyền, mang đặc sắc của riêng mình”. 

Nội dung độc quyền, đặc biệt là original series (series gốc) đang là xu thế tất yếu trong dòng chảy của thị trường tại Việt Nam. Ông Hoàng Đình Vũ, quản lý nội dung của DANET, cho biết: “Hiện trên thị trường có rất nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến của cả đơn vị trong nước và ngoài nước. Việc có những nội dung độc quyền chính là một lợi thế để thu hút khán giả đến với nền tảng của mình”. 

Đó là lý do từ năm 2020, Galaxy Play - dịch vụ giải trí online hàng đầu Việt Nam đã cho ra mắt dự án phim bộ độc quyền (Galaxy Play Originals) với tác phẩm mở màn Thiên linh cái: Chuyện chưa kể gồm 5 tập. Tính đến nay, kho phim này đã ra mắt hàng chục tác phẩm như: Bông hồng lửa, Sói già, Chị mẹ học yêu, Tam thái tử, Đặc nhiệm hốt sao... Đặc biệt, trong năm 2022, Galaxy Play Originals kết hợp với Mar6 Studios cho ra mắt 2 mùa đầu tiên của series Tứ đại mỹ nhân. Chia sẻ lý do lần hợp tác này, đạo diễn Namcito cho hay: “Là nhà sản xuất, điều quan trọng nhất là dự án được đặt để đúng vị trí và đối tác phù hợp, giúp tác phẩm đến với nhiều khán giả. Với dự án lần này, trước hết chúng tôi muốn tiếp cận và dành sản phẩm chất lượng cao cho khán giả Việt Nam, mặc dù trước đó cũng có nhiều đối tác quốc tế ngỏ lời mời hợp tác”.  

 “Để duy trì kho nội dung nhằm thu hút, giữ chân khán giả, các đơn vị phải liên tục sản xuất những tác phẩm thuần Việt và dành cho người Việt. Nó là thách thức, vì chi phí sản xuất cho mỗi bộ phim rất lớn, trong khi vấn nạn nhức nhối nhất hiện nay là sự vi phạm bản quyền của các website”.
Ông HOÀNG ĐÌNH VŨ, quản lý nội dung của DANET

Thị trường nội dung độc quyền dù mới được các đơn vị đẩy mạnh sản xuất vài năm trở lại đây, nhưng bước đầu đã có kho nội dung tương đối đa dạng từ phim ảnh: Cây táo nở hoa (VieON), Phượng Khấu, Bánh bèo hữu dụng, Tháng năm dữ dội (POPS)… cho đến thể loại ký sự, talkshow, truyền hình thực tế: Amazing Vietnam, Dọc đường ẩm thực, Hỏi xiên đáp xẹo (POPS), Chạy đi chờ chi mùa 2 (VieON)… 

Tạo thói quen xem phim có bản quyền

Dễ nhận thấy, nội dung độc quyền góp phần không nhỏ trong việc định hình thương hiệu, từ đó lôi kéo được một lượng khán giả nhất định. Đây cũng là con đường phát triển nhiều dịch vụ xem trực tuyến lớn trên thế giới đã và đang áp dụng thành công. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất chính là chất lượng. Bà Lưu Thị Thanh Lan, Giám đốc Galaxy Play từng khẳng định: “Có thể không sản xuất nhiều, nhưng đã sản xuất phải tốt”. Do đó, hầu hết các đơn vị đều khẳng định các sản phẩm nằm trong original series đều phải có sự khác biệt, tiệm cận với các series truyền hình thế giới. 

Cạnh tranh trên nền tảng số ảnh 1 Kho nội dung độc quyền Galaxy Play Originals với nhiều tác phẩm ăn khách
Từ 2 dự án đầu tiên của K+, theo bà Trịnh Thủy Liên, khác biệt nằm ở chỗ: “Đó là sự đầu tư đến từ mọi yếu tố của bộ phim: kịch bản tốt, đạo diễn và ê kíp tài năng, hình ảnh 4K đáp ứng chất lượng điện ảnh chiếu rạp... Chúng tôi cố gắng làm tốt nhất bằng việc tìm kiếm những câu chuyện giàu cảm xúc, hợp tác với những người giỏi nhất, tài năng nhất thị trường để hy vọng tạo ra những sản phẩm nội dung chất lượng cho khán giả của mình”. 

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là muốn có nội dung độc quyền, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng, bắt buộc phải đầu tư tương xứng. Hiện nay, hầu hết các phim nằm trong original series có kinh phí cao hơn so với mặt bằng phim truyền hình, dao động từ vài trăm triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng chia sẻ, kinh phí thực hiện 11 tập phim Phượng khấu lên đến gần 20 tỷ đồng. Không tiết lộ con số chính xác, nhưng đạo diễn Namcito cho biết, với thời gian sản xuất 6 ngày/tập cùng việc quy tụ những nhân sự tài năng của điện ảnh Việt, sử dụng máy móc kỹ thuật hiện đại bậc nhất và quy trình chuyên nghiệp như sản xuất phim điện ảnh, đã nói lên tất cả.  

Thị trường dù mới ở giai đoạn sơ khởi, nhưng rõ ràng cuộc cạnh tranh đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Nói như bà Trịnh Thủy Liên: “Đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, nhưng tích cực và thú vị. Khán giả ngày nay có quá nhiều lựa chọn. Họ tiếp cận nội dung rất dễ dàng qua vô số nền tảng. Vì vậy, để thu hút sự chú ý của khán giả và giữ chân khán giả ở lại với mình, các nền tảng buộc phải ngày càng nâng cao chất lượng nội dung”. 

Điều quan trọng hơn, khi càng nhiều nội dung được sản xuất, người được hưởng lợi nhiều nhất là khán giả. Nó không chỉ cho khán giả thấy thị trường phim ảnh Việt đang phát triển mạnh, mà còn giúp tạo nên thói quen xem phim có bản quyền chất lượng tốt do chính người Việt sản xuất. Sự cộng hưởng này chính là động lực để các đơn vị kiên trì với chiến lược của mình, dù hiện tại số tiền bỏ ra đang nhiều hơn thu vào.

Một số sự án đáng chú ý trong năm 2022

- VieON hiện đang tiến hành sản xuất song song 2 dự án gồm: Giấc mơ của mẹ (Nguyễn Phương Điền) và Em ước mình cùng bay (Phan Đăng Di). 

- Dịp Tết Nguyên đán 2022, Galaxy Play Originals giới thiệu hai dự án mới Hùng Long Phong Bá (đạo diễn Toni Dương Bảo Anh) và Mưu kế thượng lưu (đạo diễn Trần Bửu Lộc).

Tin cùng chuyên mục