Theo các chuyên gia y tế, huyết áp cao là một trong những yếu tố dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ), bệnh tim và nhiều bệnh lý khác. Do đó, việc kiểm soát huyết áp cũng như biết cách phòng ngừa sẽ giúp hạn chế đáng kể bệnh tình.
Bệnh “im lặng”
Được phát hiện bị cao huyết áp (CHA) từ 3 năm nay, hiện giờ ngày nào cụ bà Nguyễn Thị G. (ngụ quận 7, TPHCM) cũng đều đặn uống một viên thuốc hạ áp. Dù đã bước sang tuổi 70, nhưng cụ G. cho biết đều đặn mỗi tuần đến trạm y tế phường để đo huyết áp một lần. Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, tình trạng như cụ G. không ít nhưng không phải ai cũng ý thức kiểm soát bệnh tình. Theo BS Diệp, ai cũng đều cần biết số đo huyết áp của mình. Đây là một thông tin hữu ích về sức khỏe.
Bệnh CHA có thể là một bệnh im lặng (không có triệu chứng nào) nên có thể phòng ngừa và kiểm soát bệnh chỉ khi biết số đo huyết áp của mình. Theo BS Diệp, ở người trưởng thành bình thường được xác định có huyết áp tâm thu là 120 mm Hg và huyết áp tâm trương là 80 mm Hg. Tuy nhiên, trạng thái có lợi cho tim mạch cũng duy trì xuống tới mức huyết áp tâm thu thấp hơn (105 mm Hg) và mức huyết áp tâm trương thấp hơn (60 mm Hg). Tăng huyết áp được xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg trở lên. Các mức huyết áp tâm thu và tâm trương bình thường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chức năng hiệu quả của các cơ quan sinh tồn như tim, não và thận, đối với sức khỏe nói chung và trạng thái khỏe mạnh.
Theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống CHA, CHA đang trở thành một vấn đề sức khỏe trên toàn cầu với khoảng 1 tỷ người mắc phải. Hàng năm bệnh CHA là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 7 triệu người trẻ tuổi và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu (64 triệu người sống trong tàn phế). Còn ở những đối tượng lớn tuổi, tỷ lệ tử vong do CHA càng lớn và trên 75% các trường hợp bệnh lý đều có liên quan tới CHA. Tại Việt Nam, tần suất tăng huyết áp ở người lớn ngày càng gia tăng. Một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (> 25 tuổi) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta cho thấy tỷ lệ CHA đã tăng lên đến 25,1%, có nghĩa cứ 4 người lớn ở nước ta thì có 1 người bị CHA. Với dân số hiện nay của Việt Nam khoảng 88 triệu dân, ước tính sẽ có khoảng 11 triệu người bị CHA. Trong số những người bị CHA, có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) không biết mình bị tăng huyết áp; 30% (khoảng 1,6 triệu người) biết bị CHA nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào và 64% những người đó (khoảng 2,4 triệu người) CHA đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa huyết áp về số huyết áp mục tiêu. Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị CHA, hoặc là CHA nhưng không được điều trị hoặc có điều trị nhưng chưa đưa được số huyết áp về mức bình thường.
Nguy cơ hàng loạt bệnh lý
CHA nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo Viện Tim mạch Việt Nam, CHA có sự liên quan chặt chẽ với nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận. Theo một điều tra của Viện Tim mạch, CHA là nguyên nhân hàng đầu (10%) gây suy tim tại cộng đồng ở người lớn Việt Nam. Trong tổng số bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tại Viện Tim mạch, 46% có liên quan với CHA. Còn theo BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115, hơn 1/3 bệnh nhân tai biến mạch máu não điều trị tại khoa có nguyên nhân từ CHA. Theo BS Thắng, CHA là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao. Bệnh nhân CHA có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 - 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường. BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị can thiệp Thần kinh - đột quỵ BV Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, CHA có thể gây rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử hoặc gây đột quỵ dẫn đến xuất huyết não, hôn mê, liệt nửa người…
Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, hết sức cần thiết và quan trọng. Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress và uống các thuốc thích hợp. Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, cần lưu ý các thuốc chữa trị huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Không nên tự ý ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Đồng thời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, người CHA không nên sử dụng quá 6 gram (khoảng 1 thìa cà phê) muối ăn, tương ứng với khoảng 2,4 gram natri/ngày. Cùng với đó là chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no; hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá; tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày)…
Các triệu chứng của CHA Hầu hết người bị CHA không có triệu chứng nào cả và thậm chí có thể còn không biết họ bị bệnh này. Đôi khi bệnh CHA có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, thở dốc, chóng mặt, đau ngực, đánh trống ngực hoặc chảy máu cam. Nếu không chú ý đo huyết áp có thể nguy hiểm vì bệnh CHA là “kẻ giết người thầm lặng”. Bất cứ ai cũng nên biết số đo huyết áp của mình. |
QUỲNH CHI