Cấp bách liên kết, nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa

Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ của ngành dừa còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ; các chính sách chưa đồng bộ là nguyên nhân chính của tình trạng thăng trầm nhiều năm qua.

Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ của ngành dừa còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ; các chính sách chưa đồng bộ là nguyên nhân chính của tình trạng thăng trầm nhiều năm qua.

Phát triển thiếu bền vững

Hiện Việt Nam có khoảng 150.000ha đất trồng dừa, tập trung ở một số tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Trong đó, tỉnh Bến Tre có diện tích dừa nhiều nhất với hơn 63.000ha, sản lượng hơn 500 triệu trái/năm. Diện tích trồng dừa của Việt Nam chỉ bằng 3,8% của Indonesia, 4% so với Philippines, 7,5% của Ấn Độ và 58,3% so với Thái Lan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương thì giá trị sử dụng và giá trị tăng thêm của dừa Việt Nam tương đương diện tích 1 triệu ha.

Trước năm 2001, người trồng dừa chủ yếu sống phụ thuộc vào việc bán trái dừa khô. Sản phẩm công nghiệp từ trái dừa chủ yếu là kẹo, phần còn lại tiêu thụ ở dạng sơ chế, chưa có sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị kinh tế cao để xuất khẩu. Vì thế, giá một trái dừa chỉ khoảng 500 - 700 đồng. Đến năm 2001, công nghệ chế biến cơm dừa nạo sấy bắt đầu xuất hiện, giá dừa tăng lên, đời sống người trồng dừa được cải thiện.

Từ năm 2005, do Bến Tre có 16 nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy ra đời cùng hàng loạt các nhà máy chế biến các sản phẩm khác như than gáo dừa, thạch dừa, chỉ xơ dừa... nên giá dừa khô lúc đó tăng lên 1.800 đồng/trái (tăng 388%). Đến năm 2010 có giá 8.175 đồng/trái (tăng 454%); đỉnh điểm vào năm 2011 lên đến 11.900 đồng/trái.

Tuy nhiên, cũng từ năm 2001 đến nay, giá dừa nhiều lần thăng trầm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Có lúc giá dừa nguyên liệu quá cao, do không cạnh tranh nổi với thương nhân nước ngoài vào tận Bến Tre thu mua nguyên liệu nên các nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Ngược lại, có lúc giá dừa quá thấp, khiến xảy ra tình trạng nông dân phải chặt bỏ cây dừa trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Một số sản phẩm chế biến có giá trị cao nhưng số lượng vẫn còn đơn điệu, chủ yếu là cơm dừa nạo sấy. Tốc độ mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm từ dừa rất nhanh, có mặt tại hơn 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng sản phẩm dừa của Bến Tre vẫn tập trung chủ yếu vào các thị trường dễ tính ở khu vực Trung Đông.

Tất yếu liên kết nâng cao chuỗi giá trị

 

* Chuỗi giá trị dừa hình thành bởi sự hoạt động của hệ thống đại lý vật tư nông nghiệp, nông dân trồng dừa, thương lái thu mua dừa trái, các cơ sở sơ chế dừa trái, các cơ sở - nhà máy - doanh nghiệp chế biến vỏ dừa, mụn dừa, chỉ xơ dừa, thạch dừa, kẹo dừa, than gáo dừa và than hoạt tính, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết và vô số sản phẩm khác. Chuỗi giá trị chỉ tồn tại, phát triển, lớn mạnh và bền vững khi tất cả các nhóm tham gia liên kết chặt chẽ, cộng tác, hợp tác với nhau và chia sẻ lợi tức sinh ra một cách hài hòa.

 

Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: “Với những diễn biến 10 năm qua cho thấy ngành công nghiệp dừa Bến Tre phát triển thiếu tính bền vững, đang đứng trước sức ép phải nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển, thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu là hết sức cần thiết…”.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Hùng (Trung tâm Tư vấn đầu tư chuyển giao công nghệ và môi trường, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu) phân tích: “Bến Tre đóng vai trò hạt nhân của ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam.

Tuy nhiên, có những điểm yếu ngành dừa đang gặp phải cần được tập trung giải quyết rốt ráo. Đó là: Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển cây dừa, cũng như phương án tổ chức sản xuất chưa được áp dụng vào thực tế. Thương lái nước ngoài đến trực tiếp thu mua nguyên liệu số lượng lớn với chiêu tăng giá liên tục trong thời gian dài làm cho các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. Năng suất dừa chưa đạt hiệu quả vì nông dân chưa áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật. Các nhà máy chưa có chính sách liên kết tạo vùng nguyên liệu.

Đặc biệt, thiếu chú trọng tính công bằng lợi ích giữa nông dân trồng dừa và doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu để nông dân sát cánh cùng nhà máy trong những lúc khó khăn nhất…”.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, xác định: “Để phát triển ngành dừa, ngoài quy hoạch vùng nguyên liệu, có chính sách đầu tư thỏa đáng thì việc gắn kết nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ dừa là con đường tất yếu giúp nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa”.

Còn tiến sĩ Trần Tiến Khai, Trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM) dẫn chứng: Năm 2010, giá xuất khẩu dừa (dừa lột vỏ) đạt mức cao nhất khoảng 487 USD/1.000 trái; nhưng nếu có công nghệ chế biến sâu, sản phẩm dừa có thể đạt mức 900 USD/1.000 trái. Doanh nghiệp chế biến dừa là thị trường trực tiếp của người trồng dừa. Doanh nghiệp ổn định thì cuộc sống của người trồng dừa mới ổn định. Doanh nghiệp còn là cầu nối giữa chính quyền địa phương, người trồng dừa với thị trường thế giới. Lãnh đạo tỉnh cần lắng nghe, thấu hiểu doanh nghiệp để có chính sách khuyến khích, đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là chính sách tín dụng...

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục