Cấp điện an toàn mùa mưa bão

Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng công ty Điện lực TPHCM mỗi khi mùa mưa bão đến. Nhiều phương án đối phó cũng đã được ngành điện TP triển khai. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc, người phát ngôn của Tổng công ty Điện lực TPHCM xung quanh nội dung này.
Công nhân TCT Điện lực TPHCM đang kiểm tra hệ thống điện
Công nhân TCT Điện lực TPHCM đang kiểm tra hệ thống điện
° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hiện nay, khu vực phía Nam đã bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Tổng công ty Điện lực TPHCM đã có kế hoạch gì để đảm bảo cấp điện an toàn cũng như phòng tránh các tai nạn điện cho người dân trên địa bàn?
°Ông PHẠM QUỐC BẢO: Lưới điện quốc gia trên địa bàn thành phố do Tổng công ty Điện lực TPHCM quản lý (phần phía trước điện kế) luôn được quan tâm đầu tư, cải tạo theo hướng hiện đại và đảm bảo an toàn cho cung ứng sử dụng điện. Việc kiểm tra lưới điện luôn được chúng tôi tiến hành thường xuyên (tại các điện lực khu vực được phân công cụ thể cho từng cặp công nhân quản lý lưới điện): kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời… để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn. Tất cả các khiếm khuyết (nếu có) được phát hiện đều được tổ chức xử lý kịp thời. Đặc biệt trước mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, tổng công ty đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát (nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng thời tiết cực đoan như mưa, bão, ngập, úng…) để kịp thời xử lý khắc phục (nếu có).
Bên cạnh đó, tổng công ty đang thực hiện chương trình hiện đại hóa và ngầm hóa lưới điện trong khu vực nội thành. Việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng an toàn điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài, cũng như ảnh hưởng của thời tiết.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, Tổng công ty Điện lực TPHCM luôn duy trì công tác tuyên truyền về an toàn điện. Đặc biệt trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng có riêng chương trình tuyên truyền cho các khu vực dân cư dễ bị ảnh hưởng xấu, như khu vực dễ ngập úng, sạt lở…
°Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bên cạnh mưa thường xuất hiện gió, lốc xoáy và tình trạng cây xanh ngã đổ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện. Trong kế hoạch, ngành điện chú trọng như thế nào đến vấn đề này?
°Tổng công ty Điện lực TPHCM đã triển khai thực hiện các công tác sau: Kiểm tra, phối hợp với các khu quản lý đô thị, công ty công viên cây xanh để xử lý các nguy cơ cây xanh, bảng quảng cáo, lều, lán… có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp. Lập phương án ứng phó khi có cây ngã, đổ vào đường dây trung, cao thế cho một trong các tuyến dây trọng yếu của từng quận huyện. Trong đó, đều có sự phối hợp giữa Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan khác. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, nguồn lực để ứng trực và xử lý khắc phục sự cố nhanh nhất; thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Khi có sự cố trên lưới điện do các tình huống thiên tai, chủ động cắt điện để phòng tránh sự cố. Phải đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân và công nhân thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố. Ngay sau đó, phải chủ động phối hợp và hỗ trợ khách hàng trong công tác tái lập điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời gian sớm nhất (đặc biệt là cho các cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, cơ sở y tế, cung cấp nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình, các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập).
Tổng công ty cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TPHCM trong công tác chăm sóc cây xanh và đảm bảo an toàn lưới điện trên địa bàn TPHCM.
°Ngành điện có khuyến cáo gì để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi sử dụng điện trong mùa mưa?
°Để phòng tránh các tai nạn điện có thể xảy ra, Tổng công ty Điện lực TPHCM khuyến cáo khách hàng sử dụng điện và người dân khi mưa, bão, ngập lụt cần hết sức quan tâm thực hiện:
Không đứng trú mưa ở tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao. Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua); không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. Nên ngắt nguồn điện (cầu dao, CB) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột); bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt. Lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp (ELCB); cần thiết nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn. Tuyệt đối không sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện,…) làm nơi định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (như mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán…) hoặc neo đậu ghe thuyền. Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... và báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng, số điện thoại 1900 54 54 54 của Tổng công ty Điện lực TPHCM để thông báo xử lý kịp thời; gọi điện báo số 114 (Cảnh sát PCCC - Cứu nạn, cứu hộ TPHCM) khi có tai nạn điện xảy ra.
Ngành điện kính mong khách hàng quan tâm thực hiện các nội dung trên đây và tuyên truyền cho mọi người xung quanh biết để cùng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục