Mặc dù lãnh đạo TPHCM rất quyết tâm chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (giấy chứng nhận) cho người dân tại các khu dân cư cũng như dự án phát triển nhà. Nhưng thực tế không ít người dân vẫn dài cổ ngóng trông, không thấy cơ quan nào đả động đến việc cấp giấy chủ quyền cho họ. Đặc biệt là những người nhường đất để TP chỉnh trang đô thị, doanh nghiệp phát triển dự án.
Gần 20 năm chờ cấp giấy chủ quyền
Trước năm 1993, do yêu cầu giải tỏa khu vực ga Sài Gòn cũ, nay là Công viên 23-9 (quận 1) nên UBND TPHCM quyết định giao khu đất thuộc đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3 cho ngành đường sắt xây dựng chung cư Nguyễn Trung Hiếu để bố trí tái định cư cho gần 100 hộ dân là cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt có nhà bị giải tỏa. Sau đó ngành đường sắt xây dựng hai block chung cư (một block 3 tầng và một block 5 tầng) theo phê duyệt của Kiến trúc sư trưởng TP lúc này là ông Lê Văn Năm. Sau đó, 48 căn hộ block A được xây xong và các hộ dân chuyển về đây ở. Năm 1996 có 44 hộ tiếp tục chuyển về sinh sống tại block B.
Ông Đỗ Xuân Trạch, một người dân bị giải tỏa và được mua nhà tại đây cho biết, ngày 5-1-1996 ông và Xí nghiệp Liên Hiệp vận tải đường sắt khu vực 3 (136 Hàm Nghi, quận 1) do ông Cao Tâm, giám đốc làm đại diện ký Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà số 006. Khi nhận nhà ông Trạch và các hộ dân ở đây đều thực hiện các nghĩa vụ, thủ tục có liên quan như hợp đồng góp tiền xây dựng, biên lai nộp tiền, quyết định cấp căn hộ do UBND quận 3 ký… Ngoài ra, các hộ này cũng được Công an quận 3 cho nhập hộ khẩu về địa chỉ trên kể từ khi nhận nhà. Vậy nhưng, hơn 20 năm qua, dù có giấy tờ hợp pháp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và các thủ tục liên quan nhưng vẫn chưa được cấp “sổ hồng”, dù họ đã nghiêm chỉnh di dời giải tỏa, nhường đất xây dựng công viên.
Ông Nguyễn Minh Khế (căn hộ số 008 Lô A) cho biết, khi người dân nơi đây mang các giấy tờ liên quan đến UBND quận 3 đề nghị được cấp giấy chủ quyền nhà thì được nơi đây hướng dẫn sang ngành đường sắt. Qua đường sắt lại đẩy về UBND quận, cứ như thế, “quả bóng” trách nhiệm cứ đá qua đá lại suốt hơn 20 năm qua.
Ông Nguyễn Minh Ngà (căn hộ 02 Lô B) cho biết, một trong những nguyên nhân “treo” quyền lợi của người dân ở đây là do chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm của mình. Theo đó, trong giấy phép xây dựng số 10/GPXD 93 do Kiến trúc sư trưởng TP cấp, điều 5 quy định “Khi xây dựng xong, chủ đầu tư báo cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP lập biên bản kiểm tra công trình hoàn thành. Giấy phép xây dựng có kèm theo biên bản kiểm tra công trình hoàn thành mới có giá trị đăng ký quyền sở hữu”- nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện công việc này.
Chung cư Nguyễn Trung Hiếu (quận 3) 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.
Tương tự, năm 2001, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) thực hiện dự án Khu nhà tại phường Tân Phong (quận 7), nhiều hộ dân tại đây bị giải tỏa. Hộ ông Trần Công Chánh đã nghiêm chỉnh chấp hành di dời và nhận một nền đất tái định cư tại dự án. Tuy nhiên hơn 4 năm nay, sau khi nhận nền tái định cư vẫn chưa được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều hộ dân được tái định cư sau khi bị di dời, giải tỏa cũng mòn mỏi chờ đợi giấy chủ quyền.
Chờ đợi không cần thiết?
Sau khi xem qua những giấy tờ liên quan của người dân mua căn hộ tại chung cư Nguyễn Trung Hiếu, ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP, cho biết những trường hợp này hoàn toàn đủ điều kiện để cấp chủ quyền. Quy định tại Điều 5 của Giấy phép xây dựng đến thời điểm này không cần thiết, trường hợp này theo Nghị định 43 thì cơ quan quản lý nhà chỉ cần kiểm tra 2 điều kiện là độ an toàn và quy hoạch của dự án.
Theo ông Liên, UBND phường nên đứng ra thông báo thu nhận hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền cho người dân để chuyển lên cấp quận xem xét. Các cơ quan chức năng cũng nên làm việc với UBND quận 3 để giải quyết dứt điểm vấn đề này cho dân.
Còn với trường hợp chậm trễ cấp giấy chứng nhận cho người dân tại dự án của Sadeco, trong phiếu trả hồ sơ (lần 1) ngày 21-7-2014, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Dương Minh Thùy cho biết hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, lý do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên làm việc với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Đậm, Tổng giám đốc Sadeco, cho biết công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng nhân viên tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn cụ thể nên phía công ty chưa nộp giấy xác nhận này. Sau khi công ty bổ sung giấy xác nhận này và hộ ông Chánh nộp lại hồ sơ thì vẫn phải chờ… đến nay.
Về việc này, ông Đậm giải thích sau khi hồ sơ nộp lại lần hai thì dự án bị chi phối bởi Nghị định 43 ngày 15-5-2014, do đó UBND quận 7 hướng dẫn Sadeco gửi hồ sơ để Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) xem xét, thẩm định một số thủ tục, hạng mục tại dự án và cho ý kiến trước khi UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân tái định cư tái đây. Như vậy hiện nay người dân tiếp tục chờ “quả bóng” từ Sở TN-MT.
TPHCM đã có rất nhiều tháo gỡ trong việc xem xét cấp giấy chủ quyền cho người dân, nhất là những khu vực dự án bị “treo” lâu năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cán bộ quận, huyện hiểu sai các quy định của TP, dẫn đến làm khó người dân; cũng có tình trạng làm chưa hết trách nhiệm hồ sơ bị chậm trễ. Chẳng lẽ, người dân chịu thiệt thòi để di dời chỗ ở cũ nhường đất cho TP xây dựng công trình công cộng, chỉnh trang đô thị; nhường đất cho doanh nghiệp phát triển dự án, lại bị đối xử công bằng?
ĐỖ TRÀ GIANG