Cấp nước an toàn và trách nhiệm xã hội

Cấp nước an toàn và trách nhiệm xã hội

Cấp nước an toàn là nhiệm vụ đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng của bất kỳ quốc gia nào. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Kế hoạch cấp nước an toàn là một khái niệm về việc quản lý rủi ro và đánh giá rủi ro xuyên suốt chu trình, từ việc thu dẫn nước đến điểm tiêu thụ nước, tức từ nguồn nước thô thu từ sông đến nhà máy xử lý nước, nơi chứa nước, mạng lưới phân phối, van, cột lấy nước... 

Cấp nước an toàn bao gồm cả việc xác định được các mối nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đến nguồn nước nhằm mục đích làm giảm thiểu đến mức thấp nhất những nguy cơ có thể xảy ra để giúp cho việc kiểm soát chất lượng nước cấp một cách hiệu quả nhất và nguồn nước cấp cho người dân được an toàn nhất.

Tại Việt Nam, Kế hoạch cấp nước an toàn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào thực hiện từ năm 2006, đến nay đã có 67 công ty cấp nước của nhiều tỉnh, thành tham gia thực hiện. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 08 để triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn ở tất cả cơ sở cung cấp nước tại các địa phương…

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội có quy mô hơn 10 triệu dân nên vấn đề cấp nước an toàn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cũng là mục tiêu cuối cùng của ngành cấp nước thành phố. Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp bách của cấp nước an toàn nên TPHCM đã sớm triển khai nội dung này từ nhiều năm nay, từ việc thành lập Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn cấp thành phố, đến cấp Tổng Công ty và từng đơn vị cấp nước để cùng thực hiện mục tiêu hạn chế tối đa các rủi ro trong công tác cấp nước, cả về chất lượng nước, lưu lượng và áp lực; ngăn ngừa vấn đề tái nhiễm bẩn trong quá trình lưu trữ nước, phân phối và sử dụng nước; đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục với chất lượng nước tốt nhất có thể.

Kế hoạch cấp nước an toàn được ngành cấp nước TPHCM thực hiện với hàng loạt giải pháp đồng bộ, tổng thể;  từ việc kiểm tra chất lượng nước đầu vào trước khi sản xuất, đến quá trình sản xuất, vận hành cung cấp nước tận vòi nhà dân. Các đơn vị trực thuộc Sawaco đã triển khai kế hoạch cấp nước an toàn phù hợp đặc điểm, tình hình của đơn vị  mình và không ngừng gắn kết chương trình với các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Đơn cử như việc xây dựng hệ thống SCADA để quan trắc, theo dõi áp lực, chất lượng nước từ nguồn đến mạng để có thể chủ động trong kiểm soát áp lực, chất lượng nước cung cấp cho khách hàng. Kết quả của việc ứng dụng SCADA trong quản lý, vận hành Nhà máy Nước Thủ Đức cho thấy, người quản lý không chỉ nhận báo cáo về sự cố, tình trạng vận hành thông qua email hoặc điện thoại mà có thể trực tiếp kết nối với SCADA thông qua web server để kiểm tra trạng thái vận hành của nhà máy xử lý nước; quy trình tự động hóa này đã khắc khục các sai sót mang yếu tố con người; tối ưu nguồn nhân lực trong công tác vận hành; giảm chi phí quản lý và vận hành để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là tối ưu hóa sản xuất. Tại Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, triển khai kế hoạch cấp nước an toàn, đơn vị đã xây dựng hàng trăm hầm xả cặn (đơn vị quản lý khoảng 400km đường ống cấp 3 và cứ 1km đường ống thiết kế 1 hầm xả), ứng dụng các công nghệ súc xả tiên tiến, liên tục kiểm tra chất lượng nước cấp…

Với những giải pháp đồng bộ, tổng thể từ sự chỉ đạo tập trung, xuyên suốt của lãnh đạo Sawaco nên Kế hoạch cấp nước an toàn cho TPHCM đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Điều này có thể thấy qua chất lượng nước cung cấp cho TP ngày càng được nâng cao; áp lực nước được cải thiện, liên tục, thậm chí ngay cả mùa khô khi lượng nước tiêu thụ tăng mạnh. Nguồn nước cấp vươn tới những vùng sâu vùng xa của TP…         

Tuy nhiên, kế hoạch cấp nước an toàn của TPHCM cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn. Một trong những hiểm họa đáng phải lo ngại khi nguồn nước thô để sản xuất nước (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai) bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng từ chất thải độc hại. Do vậy, vấn đề cấp nước an toàn, ngoài trách nhiệm chính của Sawaco còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng và ý thức của cả cộng đồng.

Đinh – Gia – Anh


Hơn 100 cán bộ tập huấn cấp nước an toàn

Ngày 22-11-2013, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV tổ chức hội nghị tập huấn “Kế hoạch cấp nước an toàn” cho hơn 100 cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty. Tham dự có ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA); ông Nguyễn Trọng Dương và bà Tưởng Thị Hội, chuyên gia của Hội và là giảng viên của hội nghị tập huấn.

Ông Trần Đình Phú, TGĐ Sawaco (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị tập huấn cấp nước an toàn.

Ông Trần Đình Phú, TGĐ Sawaco (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị tập huấn cấp nước an toàn.

Tại đây, các giảng viên đã trình bày về Kế hoạch cấp nước an toàn và Thông tư 08-2012 của Bộ Xây dựng; làm rõ những khái niệm và nhiệm vụ triển khai, thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn cũng như các bước tiến hành thành lập Ban cấp nước an toàn ở các đơn vị; kỹ thuật xây dựng các tài liệu hỗ trợ như Sổ tay cấp nước an toàn, Sổ tay vận hành xử lý nước, Sổ tay quản lý chất lượng nước…; cách phát hiện các yếu tố nguy hại và thiết lập quy trình giám sát, xử lý v.v…

Ông Võ Quang Châu - Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật giao lưu với đại diện đơn vị tham gia hội nghị

Ông Võ Quang Châu - Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật giao lưu với đại diện đơn vị tham gia hội nghị

SAWACO đã sớm tham gia nghiên cứu nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn (do Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam triển khai) và đã nhiều năm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như quy hoạch cho việc triển khai thực hiện chương trình này tại TPHCM. Song, đây là lần triển khai một cách quy mô, hệ thống Kế hoạch cấp nước an toàn nhằm ngày càng hoàn thiện hệ thống cấp nước an toàn cho toàn bộ cư dân của đô thị lớn nhất nước trong những năm tới, thể hiện trách nhiệm xã hội cao đối với cộng đồng.

P.V


Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân: Kéo giảm lượng nước thất thoát trung bình còn khoảng 12%

Theo báo cáo của Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, sau khi thực hiện dự án giảm nước không doanh thu tại quận 11, bước đầu với việc triển khai 14 DMA (thuộc Vùng 2 dự án giảm nước không doanh thu) đã kéo giảm lượng nước thất thoát trên địa bàn quận này từ 34% xuống trung bình còn khoảng 12%. Lượng nước thu được là 7.500m3/ngày đêm (tương đương thu hồi khoảng 22 tỷ đồng/năm). Nguyên nhân chủ yếu lượng nước thất thoát được xác định là do hệ thống đường ống cũ mục nên nước bị rò rỉ.

Thi công tuyến ống cấp nước tại TPHCM

Thi công tuyến ống cấp nước tại TPHCM

Theo kế hoạch, toàn địa bàn quận 11 sẽ lắp đặt 33 DMA (thiết lập khu vực đồng hồ tổng để đo đếm lượng nước). Công việc này được thực hiện hết năm 2014. Dự án giảm nước không doanh thu do nhà thầu quốc tế thực hiện trước đó tại Vùng 1 gồm địa bàn các quận 1, 3, 5, 10. Vùng 2 gồm quận 11, Tân Bình, Tân Phú do Sawaco thực hiện.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục