Cấp phép các chương trình âm nhạc tại TPHCM: Nhiều quy định không phù hợp

Chặng đường... gian nan
Cấp phép các chương trình âm nhạc tại TPHCM: Nhiều quy định không phù hợp

Tại TPHCM, vài năm gần đây, nhiều nhà sản xuất (NSX) băng, đĩa nhạc và nhiều đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn ca nhạc rất bức xúc khi xin giấy phép biểu diễn, phát hành album.

“Người tình” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng diễn ra từ tháng 8-2009 đến nay chưa phát hành băng đĩa được. Ảnh: T.BÌNH

“Người tình” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng diễn ra từ tháng 8-2009 đến nay chưa phát hành băng đĩa được. Ảnh: T.BÌNH

Chặng đường... gian nan

Quy trình xin cấp phép phát hành hiện nay cho một chương trình ca nhạc (ra album và biểu diễn sân khấu): NSX (hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn) phải sang Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (TTBVQTGAN) chi nhánh phía Nam nộp hợp đồng chi trả tác quyền (mẫu của TTBVQTGAN), danh mục bài hát, văn bản nhạc và giấy thỏa thuận của NSX với nhạc sĩ (nếu có).

Sau 2 hoặc 3 ngày (với những ca khúc của các tác giả trong nước, còn nếu là ca khúc nước ngoài thời gian tăng lên khoảng 2 đến 3 tuần), TTBVQTGAN cấp một giấy xác nhận đã đóng đủ tiền tác quyền, NSX mới đem toàn bộ hồ sơ (giống như bộ hồ sơ đã nộp cho TTBVQTGAN) kèm theo giấy xác nhận này sang nộp cho Sở VH-TT-DL TPHCM.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, 10 ngày sau NSX mới có giấy phép của Sở VH-TT-DL TPHCM cho phép phát hành chương trình. Sau đó, NSX lại phải gửi chương trình, giấy phép đồng ý của Sở VH-TT-DL ra Cục Nghệ thuật biểu diễn để xin cấp tem và lại phải chờ thêm khoảng 10 ngày nữa mới nhận được tem. Lúc ấy, chương trình mới được phép lưu hành.

Quy định của Sở VH-TT-DL TPHCM bắt buộc phải trả tiền tác quyền trước, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười cho các NSX. Đó là khi NSX đóng tiền tác quyền cho TTBVQTGAN rồi, nhưng khi sang Sở VH-TT-DL có nhiều ca khúc không được sở cho phép hát nên phải thay bài. Tiền đã đóng cho TTBVQTGAN phải… đợi một thời gian mới lấy lại được.

Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio-Video, kể về một trường hợp mà đơn vị này gặp phải: “Đơn vị tôi đã đóng tiền bản quyền cho TTBVQTGAN bài hát Bonjour Việt Nam để phát hành album, nhưng khi sang Sở VH-TT-DL TPHCM, sở không cho sử dụng bài này với lý do đây là ca khúc còn độc quyền”.

Bà Lương Minh Hồng, Giám đốc Công ty Tiếng Hát Việt, cho biết: “Chương trình Người tình đến nay chưa phát hành được chỉ vì TTBVQTGAN chưa liên lạc được với tác giả của hai ca khúc nhạc Hoa Mùa thu lá bay và Bến Thượng Hải”.

Bà Ngọc Hạnh, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc (TTBN) Lạc Hồng bức xúc: “Một chương trình gồm 10 ca khúc do TTBN Lạc Hồng sản xuất đã có xác nhận đồng ý của 8 nhạc sĩ, chỉ còn 2 nhạc sĩ là TT chưa liên lạc được, khi chúng tôi qua TTBVQTGAN chi nhánh phía Nam đóng tiền tác quyền, người của TTBVQTGAN còn bắt xác nhận chữ ký của 8 nhạc sĩ trên xem có đúng là thật hay giả. Chúng tôi cảm thấy mình bị xúc phạm và thật sự thấy tổn thương. Không những thế, tôi biết có những tác phẩm độc quyền, những nhạc sĩ không ủy quyền cho TTBVQTGAN mà trung tâm vẫn thu tiền”.

Sai quy định?

Lên kế hoạch sản xuất album, công diễn một chương trình ca nhạc cần sự chuẩn bị rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nhưng thời gian xin giấy phép phát hành, biểu diễn luôn là áp lực với NSX. Quy định của Sở VH-TT-DL TPHCM bắt buộc đóng tác quyền trước khi có giấy phép phát hành, công diễn đã đưa các NSX, các đơn vị tổ chức biểu diễn vào tình thế bị động, lúng túng và cả tâm lý buồn bực.

TTBVQTGAN thu tiền rồi, nhưng sở không cho diễn ca khúc nào đó, hoặc chính đơn vị tổ chức thấy bài hát không phù hợp, hết ăn khách nên thay đổi bài hát trong một chương trình là điều thường xảy ra.

Mức thu phí là do TTBVQTGAN tự đặt ra không dựa trên cơ sở thảo luận, thương lượng giữa NSX, nhạc sĩ. Hiện nay, giá tác quyền là 500.000 đồng/bài hát/CD và 700.000 đồng/bài hát/DVD. Với chương trình biểu diễn sân khấu, TTBVQTGAN tính 75% bình quân trên số lượng ghế tại địa điểm diễn (không phân biệt giá vé, thực tế lượng vé bán được). Dù đã đóng đầy đủ tiền tác quyền trước khi chương trình diễn ra, nhưng đa số các chương trình ca nhạc đều không bán hết vé hoặc số lượng vé mời khá nhiều. Phần lỗ nặng ấy, chẳng thể nào nói TTBVQTGAN trả lại bớt tiền!

Trước thực tế nhiều bất cập trong việc quy định bắt buộc các NSX phải đóng tiền tác quyền trước khi xin giấp phép phát hành băng đĩa, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN đã gửi kiến nghị cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét, giải quyết, chấn chỉnh lại quy định và cho phép NSX được đóng tiền tác quyền sau khi chương trình được phát hành. Tuy nhiên kiến nghị này không được Sở VH-TT-DL TPHCM chấp thuận.

Vấn đề đáng bàn ở đây chính là: “Thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và dựa trên nguyên tắc thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận, bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng thực thi. Luật pháp không quy định hồ sơ xin phép phát hành băng, đĩa và hồ sơ xin cấp giấy phép công diễn phải có các văn bản hợp đồng và giấy biên nhận đóng tiền bản quyền. Quy định bổ sung thủ tục hồ sơ là sai nguyên tắc, trái với quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” (trích đăng công văn trả lời Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN của Cục Nghệ thuật biểu diễn, do Cục trưởng Lê Ngọc Cường đã ký ngày 3-11-2009).

Tại Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước, không đâu có quy định bắt buộc đóng tiền tác quyền trước như thế, ngoại trừ TPHCM. Chính vì vậy, có nhiều đơn vị, để tránh rắc rối và đảm bảo kế hoạch sản xuất, phát hành đã “chạy” sang địa phương khác xin giấy phép (?!).

Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vì muốn chủ động thay đổi ca khúc trong chương trình, đã tự thỏa thuận trả tiền trực tiếp cho nhạc sĩ không cần thông qua TTBVQTGAN. Thiết nghĩ, quy định không phù hợp với tình hình thực tế và để giúp các NSX đẩy mạnh việc sản xuất, tránh phiền phức không đáng có, nên chăng Sở VH-TT-DL TPHCM cần xem xét lại quy định này.

Ý kiến một số nhà sản xuất

* Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio-Video: Nếu đã quản lý văn hóa phải thống nhất, không thể mỗi nơi áp dụng một quy định và là quy định theo cảm tính. Việc đóng tiền tác quyền là việc giữa NSX và TTBVQTGAN, Cục Nghệ thuật biểu diển đã hướng dẫn, sở vẫn can thiệp vào là không nên.

* Bà Thu Dung, Giám đốc TTBN Rạng Đông, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN: Việc chạy sang địa phương khác xin giấy phép với những NSX như chúng tôi là một việc không đáng và rất đau lòng. Sản xuất một chương trình, ngoài chuyện tiền đầu tư, còn là tâm huyết của NSX. Sinh ra một đứa con mà mình không được đứng tên làm cha mẹ, phải nhờ người khác đứng tên, đâu có vui sướng gì.

* Bà Ngọc Hạnh, Giám đốc TTBN Lạc Hồng, Phó ban Kiểm tra Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN: Tại sao Sở VH-TT-DL Hà Nội và các tỉnh thành khác đều chấp hành đúng ý kiến chỉ đạo của bộ, của cục, chỉ riêng Sở VH-TT-DL TPHCM thì không? Chúng tôi nghĩ, sau khi có giấy phép phát hành, NSX sẽ đóng tiền tác quyền là hợp lý nhất.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục