Đây là chủ đề của “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2015” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Chủ đề nhằm nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong phát triển bền vững của đất nước.
Ô nhiễm môi trường nông thôn còn phức tạp
Số liệu thống kê cho thấy, dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 67% dân số cả nước, ước tính khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 6,6 triệu tấn/năm, tỷ lệ thu gom tại các vùng ven đô thị đạt khoảng 80%, còn tại một số vùng sâu vùng xa tỷ lệ chỉ chiếm 10%, khối lượng rác thải còn lại không được thu gom, xử lý, đổ tự phát tràn lan, làm cho chất lượng môi trường khu vực nông thôn ngày càng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân. Đơn cử, tại TPHCM, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thành phố, môi trường khu vực nông thôn đang bị tác động nghiêm trọng. Điển hình nhất là tình trạng di dời các cơ sở sản xuất khu vực nội thành ra ngoại thành. Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn quận đã có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ngành nghề dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ… Việc xử lý các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn dân cư rộng. Các doanh nghiệp lại nằm sâu trong khu dân cư. Nhiều doanh nghiệp để đối phó với cơ quan chức năng đã thường xuyên thay đổi tên chủ sở hữu cơ sở. Khác với quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm kênh rạch do nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất dẫn theo hệ thống kênh rạch đổ về. Cụ thể, tại khu vực kênh B, kênh C và một số hệ thống kênh rạch nằm giáp ranh với tỉnh Long An, nước kênh hiện đen và bốc mùi hôi thối, nhất là tại tuyến kênh C. Sau sự cố nhà máy tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân cháy nổ, tràn hóa chất ra kênh C cho đến nay rất khó để cải tạo phục hồi lại. Tương tự, tình trạng này cũng đang diễn ra khá phổ biến tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, quận 9…
Dòng kênh 8, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh bị nhuộm đỏ vì ô nhiễm
Không chỉ vậy, ngay tại các làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống của địa phương được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần không nhỏ cho sự phát triển địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích kinh tế mang lại đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường sống. Hiện tình trạng ô nhiễm từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đang rất báo động, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân. Thế nhưng, điều đáng nói là cho đến nay vẫn còn bộ phận lớn người dân chưa nhận thức được những tác hại từ tình trạng ô nhiễm này.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Trước thực tế đó, TPHCM đã đưa ra mục tiêu phấn đấu 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới thành phố đạt chuẩn nông thôn mới từ nay đến cuối năm 2015. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục hy sinh môi trường cho phát triển kinh tế. Sự lan truyền ô nhiễm từ khu vực nội thành đã hiện hữu tại khu vực nông thôn của thành phố. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, để hạn chế tình trạng ô nhiễm khu vực nông thôn tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cần phải tăng cường công tác xử lý các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý xong các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, bộ đang giao cho Tổng cục Bảo vệ môi trường tiếp tục rà soát và xử lý những doanh nghiệp ô nhiễm phát sinh mới. TPHCM cũng đang rà soát, sắp xếp lại quy hoạch sản xuất. Theo đó, buộc các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm phải ngưng hoạt động sản xuất hoặc di dời vào những khu vực tập trung có đầy đủ hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn cho môi trường. Đồng thời tiến hành các giải pháp xử lý ngay vấn đề, khu vực, điểm ô nhiễm môi trường, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt, chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, bên cạnh những giải pháp trên, các tỉnh thành cần chú trọng tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tầng lớp người dân. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Người dân nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại hộ gia đình và cộng đồng dân cư; duy trì hoạt động như ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, ngày không sử dụng túi ni lông; thường xuyên ra quân làm vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước.
Mặt khác, cần khuyến khích người dân áp dụng quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kêu gọi người dân thực hiện đúng quy định về mai táng và chôn cất. Vận động không rải vàng mã khi đưa tang trên phố, không chôn cất trong đất thổ mộ, gia tộc. Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức thu gom rác thải, phế thải tại các khu dân cư. Duy trì các hoạt động tổng vệ sinh định kỳ. Không để bãi rác tự phát, tồn đọng gây mất vệ sinh môi trường, không có tình trạng ứ đọng trên kênh rạch. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi hợp vệ sinh, đảm bảo nước thải, chất thải được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường. Hãy chăm sóc và gìn giữ ngôi nhà chung mà chúng ta đang ở bằng những hành động tốt, thân thiện với môi trường.
MINH XUÂN - MINH HẢI