Cận Tết Nguyên đán, nhiều người quen ở Hà Nội, TPHCM gọi điện thoại nhờ bạn bè ở ĐBSCL đặt mua mấy cặp bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, đào tiên… về chưng tết. Dọc các chợ hoa (đã bắt đầu rộn ràng), xen lẫn trong các loại hoa mai, lan, cúc, trúc còn có những chậu lúa mùa, thanh long, bắp… được trồng khá tươm tất làm kiểng. Chỉ nhìn thoáng qua vụ làm ăn tết, đã thấy rõ sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của nông dân. Nông dân đã bắt đầu bắt nhịp với cung cách làm ăn mới: Sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải những gì mình có. Đó là bước chuyển quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay.
Sau hơn một năm thực hiện đề án của Trung ương, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Nhờ đó, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, nhất là tôm, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, trái cây. Sự gia tăng sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá cao đã đem lại lợi ích to lớn cho nông dân.
Tại ĐBSCL, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang được đẩy mạnh. Tỉnh Đồng Tháp là một ví dụ. Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng với các đề xuất chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, địa phương xác định doanh nghiệp chính là yếu tố dẫn dắt, đưa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đi đến thành công. Hiện tại, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và khoa học công nghệ để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.
Từ việc hết lòng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chương trình hợp tác được ký kết trong năm qua. Trong đó, có chương trình nghiên cứu, ứng dụng sản xuất hoa kiểng công nghệ cao với các doanh nghiệp Hà Lan; cơ hội hợp tác xuất khẩu xoài với tỉnh Ibaraki của Nhật Bản hay hợp tác tài trợ của Tập đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) và Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đây là những tín hiệu khả quan, đánh dấu cho sự khởi đầu thuận lợi của đề án quan trọng này. Kinh nghiệm thực tế ở Đồng Tháp cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, tỉnh xác định doanh nghiệp chính là “nhân tố” dẫn dắt thị trường, tự nghiên cứu khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chính doanh nghiệp sẽ giải được bài toán kinh tế hợp tác. Từ hiệu quả mang lại cao hơn trước nên đến nay, nông dân đã biết tự hợp tác lại, làm đối trọng với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.
Thế nhưng, ngược lại với Đồng Tháp, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương khác tại ĐBSCL và trên phạm vi cả nước còn khá chậm. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thừa nhận: Việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, chưa đồng đều ở các địa phương. Nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực của ngành; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm. Nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật được xác định là giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên, hoạt động này của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao. Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều nơi. Trong đó, vấn đề then chốt là kết nối sản xuất với thị trường vẫn còn lỏng lẻo.
Hiện đã có hơn một nửa số địa phương trên cả nước ban hành đề án và kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai xây dựng các tiểu đề án trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, với những mục tiêu ưu tiên và định hướng đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị. Theo các chuyên gia, vấn đề cấp bách là ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu để tạo sự chuyển biến thật sự trong nông nghiệp nông thôn.
TRẦN MINH TRƯỜNG