Chưa bao giờ, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước được ngành du lịch tập trung đầu tư lớn như hiện nay. Chỉ 4 tháng đầu năm, cả nước đã có hàng chục lễ hội, festival như Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt, Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Canaval Hạ Long, Lễ hội Đua voi Đắk Lắk… được tổ chức không ngoài mục đích quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa nhiều!
Vì đâu nên nỗi?
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam thừa nhận: “Nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, tính theo hiệu quả trong việc quảng bá, thu hút khách quốc tế, Việt Nam còn thua cả Campuchia và Lào, đừng nói đến việc so sánh với các nước như Thái Lan hay Singapore. Lào có 6,5 triệu dân nhưng đón 3,2 triệu khách quốc tế mỗi năm. Campuchia có 14,5 triệu dân nhưng mỗi năm cũng đón 4,2 triệu khách quốc tế. Còn Việt Nam, hơn 90 triệu dân chỉ đón được 7,4 triệu khách và dự kiến đón xấp xỉ 8 triệu khách trong năm 2014. Quả là quá khiêm tốn so với đất nước có rất nhiều di sản cũng như thắng cảnh được quốc tế công nhận như Việt Nam”.
Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam trì trệ so với các nước trong khu vực chính là cơ sở hạ tầng quá kém. Ông Nguyễn Văn Mỹ dẫn chứng: “Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nạn kẹt xe và cầu phà quá tải tiếp tục “đến hẹn lại lên”. Đoạn TPHCM - Dầu Giây (Đồng Nai), chỉ dài 67km, dù đã có hơn 20km đường cao tốc, các loại xe vẫn phải đi theo kiểu rùa bò, mất 3-4 giờ. Từ Công ty Dã ngoại Lửa Việt (đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TPHCM), có đoàn khách đi từ sáng sớm nhưng lên tới Đà Lạt lúc… 21g, tức mất khoảng… 15 giờ cho đoạn đường 300km! Chưa hết, sợ nhất là các tàu du lịch chở khách ra đảo luôn phải… nín thở, chen chúc, giành giật vì tàu luôn vượt tải so với quy định. Vì vậy, đi du lịch mà cứ như hành xác, giảm béo”.
Các công ty du lịch còn cho biết, ngoài khó khăn về đường sá, còn có những cản ngại phát triển du lịch Việt Nam do chính người Việt tạo ra, kiểu “quân ta hại quân mình”. Trước hết là an ninh xã hội rất kém. Nạn ăn xin kiêm giật dọc, bán hàng rong lừa lọc và móc túi, trộm cướp trở thành nỗi lo thường trực trong mắt du khách khi đến Việt Nam, khiến họ “một đi không trở lại”. Với các nước, bán hàng rong và ăn xin là nét văn hóa còn Việt Nam là tệ nạn. Điều khó lý giải là tại sao cả thành phố Hội An và Đà Nẵng dẹp được mà TPHCM và các tỉnh thành khác lại không?
Tiếp theo, nạn nâng giá vô tội vạ và chặt chém, trấn lột trong các dịp lễ tết khiến không chỉ khách quốc tế mà cả khách Việt cũng ngao ngán. Chưa hết, nạn đầu cơ phòng, bắt đầu từ Nha Trang và Đà Lạt từ mấy năm trước, nay đang có nguy cơ lan ra nhiều nơi. Vào các dịp lễ tết, điệp khúc “hết vé” máy bay các tour đi Phú Quốc, Côn Đảo… nhưng mua vé chợ đen bao nhiêu cũng có… vẫn luôn xảy ra! Đặc biệt, các công ty du lịch chui, du lịch núp bóng, du lịch nhái thương hiệu…ngày càng sinh sôi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho du khách cũng mọc lên khắp nơi! Chưa kể, vé tham quan, giá điện, giá xăng dầu... tăng vô tội vạ. Tại sao du lịch trong nước đắt hơn du lịch các nước ASEAN, trong lúc dịch vụ kém xa? Người Việt còn ngán du lịch Việt, huống nữa là người nước ngoài.
Anh Hùng, hướng dẫn viên tại một công ty du lịch có tiếng ở TPHCM, cho biết: “Theo khảo sát bỏ túi của tôi, có đến 80% số khách khẳng định không muốn quay lại Việt Nam, dù Việt Nam có rất nhiều phong cảnh tuyệt vời, thiên nhiên thu hút, nhiều nơi để khám phá. Nguyên nhân đầu tiên làm khách du lịch khó chịu khi đến Việt Nam là tình trạng “chặt chém”. Ở Việt Nam cái gì cũng đắt. Một ví dụ nhỏ, ngay giữa Siêm Riệp (Campuchia), chỉ cần bỏ ra 1 USD là có một dĩa cơm chiên hải sản rất tươi ngon. Còn ở Việt Nam, bỏ ra 20.000 đồng khi du lịch, chỉ có thể chọn được ổ bánh mì thịt! Một số khách của tôi còn đưa ví dụ khá thú vị rằng 5 ngày du lịch Thái Lan ở khách sạn 4 sao, ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi đầy đủ ở mấy thành phố hết chưa đầy 300 USD. Trong khi vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TPHCM đã hết… 200 USD. Vậy nên du lịch trong nước hay nước ngoài?”.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, du lịch tại các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới đều là kinh tế tư nhân, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý với những quy định chặt chẽ và hiệu quả. Còn du lịch Việt Nam là “kinh tế thập cẩm” với đủ loại hình doanh nghiệp, nhà nước thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Nỗ lực tìm giải pháp
Trao đổi với chúng tôi, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM cho biết, ngoài những hạn chế còn tồn tại, công tác quảng bá xúc tiến du lịch của TPHCM được đánh giá là năng động nhất nước và tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong những năm gần đây, đặc biệt là công tác quảng bá xúc tiến du lịch nước ngoài.
Ngành du lịch TPHCM đã xác định và xây dựng chiến lược thúc đẩy và phát triển các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm và tiềm năng trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực nguồn cung du lịch của thành phố. Ngành du lịch thành phố tiếp tục duy trì và thúc đẩy các thị trường truyền thống trọng điểm của thành phố như ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, Nga và Đông Bắc Á. Các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch nhằm phát động và thúc đẩy thị trường mới và nhiều tiềm năng Trung Đông bước đầu đã có những kết quả tích cực.
Hiện nay đã có 3 hãng hàng không quốc tế mới vào khai thác thị trường Trung Đông mở đường bay trực tiếp đến TPHCM: Qatar Airways, Emirates Airways và Etihad Airways. Ngành du lịch TPHCM đang làm việc để tiến đến thỏa thuận hợp tác du lịch - hàng không với 2 hãng hàng không Emirates và Etihad nhằm thúc đẩy sâu và rộng hơn thị trường khách du lịch Trung Đông. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay đã có 43 hãng hàng không quốc tế bay vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM.
TPHCM đã chỉ đạo ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch hội nghị (MICE), du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp mua sắm, du lịch tuổi trẻ nhằm thúc đẩy du lịch nội vùng Mekong. Đây là những thế mạnh của thành phố đang được khai thác trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, để tăng tính hấp dẫn của điểm đến du lịch TPHCM, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành du lịch nghiên cứu chuyên sâu phát triển một sản phẩm du lịch có nhiều tiềm năng là du lịch đường thủy và tập trung hoàn chỉnh chiến lược phát triển du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trên cơ sở tổng hợp ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch, các sở ngành liên quan và 8 quận, huyện có các tuyến đường sông đi qua. Ngành du lịch đang triển khai 7 tuyến du lịch đường sông (xuất phát từ Bến Bạch Đằng) để các doanh nghiệp kết nối khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường sông của thành phố, đồng thời xây dựng kế hoạch quảng bá, tuyên truyền cho 7 tuyến này và tổ chức giới thiệu du lịch đường thủy trong hoạt động xúc tiến của ngành.
Kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố biến động và bất ổn, vì vậy công tác xúc tiến du lịch nước ngoài cần được tập trung đầu tư vào chiều sâu và tính hiệu quả trong từng hoạt động. Các hoạt động xúc tiến du lịch cần được nghiên cứu lồng ghép với các hoạt động văn hóa, xúc tiến thương mại - đầu tư nhằm tăng quy mô, tạo hiệu ứng quảng bá tốt và hiệu quả tổng hợp trong mỗi chiến dịch xúc tiến tại một thị trường cụ thể. Việc tổ chức các chiến dịch xúc tiến du lịch nước ngoài cần được chú trọng chiều sâu với các hoạt động thiết thực, mang tính xã hội hóa cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Theo ông Lã Quốc Khánh, tình hình kinh tế thế giới năm 2014 vẫn còn khó khăn nhưng dự báo sẽ khả quan hơn năm 2013. Thương mại toàn cầu có thể cải thiện hơn do việc áp dụng chính sách kích thích tiêu dùng xã hội. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định thông qua hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mở cửa thị trường theo lộ trình cam kết WTO, khẳng định là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp của Chính phủ và TPHCM về ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng sẽ góp phần kích cầu, tạo điều kiện tăng trưởng thị phần khách du lịch đặc biệt là khách nội địa. Sự hợp tác và phối hợp của các ngành trong Ban chỉ đạo phát triển du lịch thành phố và các chương trình liên kết hợp tác du lịch trong và ngoài nước sẽ tạo nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển ngành.
Hy vọng, với những nỗ lực kể trên của ngành du lịch TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, thị trường du lịch Việt Nam không bị các nước bỏ quá xa trong tương lai.
Hương Giang - Mộc Thiêng - Võ Thắm