Cát - không chỉ là tiền

Cát - trong đời thường, cũng như trong văn học-nghệ thuật thường được xem là vật biểu trưng cho sự nhỏ bé, mong manh. Nhưng nếu không có cát thì làm sao có những tòa nhà chọc trời, những công trình kiến trúc đồ sộ, những đại lộ thênh thang-ít ra trong lúc chưa có bất cứ loại vật liệu mới nào có thể thay thế vị trí của cát. Cát còn là môi trường, là phong cảnh quê hương, tài nguyên quý giá. 

Vấn đề “đau đầu” nhất hiện nay của một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cát xây dựng là quyết định cấm vận chuyển loại tài nguyên này ra khỏi địa phương do một số tỉnh, thành phố mới ban hành. “Đau đầu” vì đang làm ăn ngon trớn, thu lãi cao bỗng dưng bị thổi còi “stop”. Khai thác, xuất khẩu cát xây dựng, nhất là loại cát vàng, đẹp và mịn màng có mặt ở khắp các bãi biển nước ta lâu nay vốn là nghề “hái” ra tiền. Bởi doanh nghiệp chẳng cần đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền thiết bị hiện đại mà chỉ cần mua máy hút, xà lan vận chuyển cát tập trung về bãi rồi cho xe xúc cát chở thẳng ra cảng và… thu tiền. Nhưng sự “đau đầu” của các doanh nghiệp ấy chưa thấm tháp gì so với hệ quả của việc khai thác cát xuất khẩu để lại.

Trong khi hàng năm một lượng cát rất lớn được khai thác phục vụ xuất khẩu thì ở ngay trong nước, nhiều công trình đang kêu trời vì… thiếu cát! Một trong những nguyên nhân khiến các công trình giao thông lớn như đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, cầu Rạch Miễu… chậm tiến độ, giá thành đội lên là do khan hiếm cát xây dựng. Giá thành của các công trình xây dựng như nhà cửa, san lấp mặt bằng cũng tăng vì giá cát tăng. Một nghịch lý đang diễn ra: trong khi một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cát thì nhiều doanh nghiệp trong nước lại phải… nhập khẩu cát từ Campuchia.

Ở một số nước như Singapore, Nhật Bản… cát xây dựng, đặc biệt là cát vàng chất lượng cao dùng để chế tạo pha lê là loại “hàng hiếm” nên nhiều năm qua Việt Nam trở thành điểm khai thác cát khá lý tưởng. Trước đây, có công ty nước ngoài sau khi thỏa thuận mua bán với đối tác trong nước đã đưa tàu hút cát loại lớn đến bán đảo Cam Ranh khai thác. Theo những người chứng kiến, chỉ sau một đêm hút cát, hôm sau cả ngọn đồi cát vàng khổng lồ và nên thơ của bán đảo đã biến mất như có phép lạ. Hàng chục ngàn m3 cát vàng quý hiếm sử dụng chế tạo pha lê đã nằm gọn trong lòng chiếc tàu viễn dương, để lại “vết thương” lớn cho môi trường nơi đó và sự tiếc nuối khôn nguôi của những người yêu cảnh đẹp quê nhà.

Việc khai thác cát cần sớm được rà soát, chấn chỉnh kịp thời trên phạm vi toàn quốc. Bởi, không chỉ là tiền, việc khai thác cát vô tội vạ chắc chắn dẫn đến những thiệt hại to lớn về môi trường, cảnh quan. Hiện tượng rất nhiều bờ sông bị sạt lở kéo theo những thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản của người dân trong những năm vừa qua do khai thác cát tràn lan, thiếu khoa học là một một bài học vô cùng đắt giá!

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Tin cùng chuyên mục