Từng sống cheo leo ở vùng rừng, tránh nắng mưa trong chuồng bò, suốt 12 năm ròng băng rừng vượt núi Cấm, đi tìm cái chữ, thế nhưng cậu bé Nguyễn Thanh Tùng, học sinh Trường THPT Ba Chúc (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn bền chí, không ngại khó khăn nuôi lớn ước mơ đại học.
Chiếc bàn học dựng nên từ đá
Men theo con đường núi dài ngoằn ngoèo của ấp Tà Lọt vừa mới được chính quyền An Giang mở cách đây không lâu, đi sâu vào độ chừng 5km, chúng tôi dừng lại trước căn nhà tôn chỉ 28m² là nơi ở của Tùng cùng ba mẹ và 2 em trai (còn đang đi học). Gia đình Tùng vốn nghèo, ba mẹ Tùng lại là những người nông dân không biết chữ. Hơn 11 năm về trước, cả nhà Tùng vốn dĩ ở trên đỉnh núi Cấm, nói là nhà cho oai chứ thật ra đó chỉ là một căn chòi lá, nằm chơi vơi giữa rừng. Trong nhà chẳng có tài sản gì ngoài những vật dụng sinh hoạt thường ngày cùng với chiếc bàn học của Tùng được dựng nên từ đá núi. Thu nhập chính mà cả gia đình Tùng trông cậy vào là mấy công đất mướn lại từ chủ vườn để trồng xoài. Hàng ngày từ mờ sáng, mẹ Tùng đã lo xong cơm nước để khoảng 5 giờ, 3 anh em Tùng đã phải cùng nhau vượt núi đến trường. Đường núi buổi sáng vừa trơn, vừa gồ ghề, thế nhưng khi ra đến được đường cái, để đến được lớp, Tùng còn phải đạp xe trên một con đường ngoằn ngoèo dài khoảng 17km…
Học để thoát nghèo
Sau khi biết tình cảnh khó khăn của gia đình Tùng, một người dân dưới núi đã thương tình cho cả gia đình Tùng mượn cái chuồng bò bằng xi măng bỏ không để tá túc đi học qua ngày. Thấy vậy, Hội Khuyến học xã An Hảo vận động bà con mỗi người một ít chung tay góp sức giúp gia đình Tùng dựng được túp nhà. Thế nhưng, cái khó này chất chồng cái khó khác, ngoài thu nhập bấp bênh, tiền kiếm được của ba mẹ Tùng mỗi ngày khá lắm cũng chỉ đủ lo cho gia đình cái ăn qua ngày tháng, còn những thứ khác thì thiếu thốn triền miên, ngay cả nước sinh hoạt cũng phải đi gánh từ xa, cách nhà hơn 1km.
Anh Nguyễn Văn Tình - ba của Tùng thẩn thờ ngó cái thùng không có một giọt nước, lòng nghẹn ngào: “Chi phí khoan giếng 18 triệu đồng, nhà nghèo quá biết lấy đâu ra tiền”. Thương ba mẹ, những ngày cuối tuần nghỉ học, cả 3 anh em Tùng thay nhau đi bắt cua, mót rau, gánh nước và hái trái cây mướn để có thêm chút tiền phụ giúp gia đình. Dù cực nhọc và lắm thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa, thế nhưng Tùng và 2 em trai vẫn không hề nản lòng, ngược lại càng quyết tâm học tập hơn nữa. Những giấy khen học lực khá, giỏi và những danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” treo khắp nơi trong căn nhà nhỏ bé, như những món quà ý nghĩa nhất dành cho ba mẹ. Cậu bé Nguyễn Thanh Tùng tâm sự: “Em chỉ mong thi đậu đại học, sau đó tốt nghiệp ra trường có việc làm phụ giúp gia đình. Nhà mình nghèo thì càng phải học, nên dẫu có khó khăn em cũng sẽ cố gắng hết mình”.
Tháng 7 năm nay, Nguyễn Thanh Tùng tự tin bước vào kỳ thi đại học với nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành công nghệ sinh học của Trường Đại học Cần Thơ, nguyện vọng 2 vào Trường Đại học Công nghệ Kỹ thuật Cần Thơ. Hành trang của Tùng chính là số tiền của người mẹ nghèo phải trèo cây hái từng trái me bán để lo cho em đi thi đại học, là giọt mồ hôi của ba vất vả đổ xuống trên những cánh rừng. Với những nỗ lực bền bỉ, Tùng cho biết đã hoàn thành khá tốt bài thi vào đại học của mình. Hy vọng những ước mơ đổi đời của cậu học trò nghèo, ham học ở vùng rừng núi hẻo lánh sẽ sớm thành hiện thực!
TRANG THÙY LÊ