Câu chuyện bình đẳng giới

Nhắc đến Thụy Điển, người ta nghĩ ngay đến “thiên đường bình đẳng giới”. Báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2010 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy, Thụy Điển xếp thứ 4 trên thế giới (sau Iceland, Na Uy, Phần Lan) về mức độ bình đẳng giới.

Hơn nửa năm sống và làm việc ở quốc gia Bắc Âu này, tôi đã quen với hình ảnh những phụ nữ tự tin, năng động, bên cạnh đức lang quân luôn sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình và những mối lo toan! Thế nhưng Marie, cô bạn thân người Thụy Điển của tôi lại bảo rằng, khi nào còn nhắc đến “bình đẳng giới”, nghĩa là chưa có bình đẳng thật sự. Marie cho rằng vẫn còn tồn tại những chuẩn mực chi phối nam giới và nữ giới ở  Thụy Điển.

Một sáng nọ, Marie dẫn tôi đến trường mầm non Egalia ở ngay tại quận Sodermalm, thủ đô Stockholm. Trường hoạt động theo nguồn quỹ của chính phủ, với vỏn vẹn 33 em nhỏ dưới 6 tuổi. Điều đặc biệt là các em ở đây không được dùng đại từ “cậu ấy” hay “cô ấy” để giao tiếp với nhau, mà chỉ được gọi bằng “bạn”. Lý do là để loại bỏ sự phân biệt giới tính ngay từ đầu đối với các em.

Thông thường, một bé gái được hướng đến hình mẫu nữ tính, xinh xắn, chăm chút búp bê trong khi các cậu con trai được nhắc đến là những cậu bé năng động, hiếu kỳ, say mê những món đồ chơi mô hình thật to. Thế nhưng, ở Egalia, các em được đối xử như nhau, được tiếp cận bất cứ trò chơi nào mình muốn.

Ở một góc phòng, vài em đang loay hoay, bận bịu với công việc bếp núc. Có cậu bé đội mũ bếp trưởng, khuôn mặt mướt mồ hôi, đang tập trung chế biến các món ăn theo yêu cầu của thực khách là các bạn học của mình! Cạnh đó là những bộ xếp hình Lego và mô hình các tòa nhà. Ý đồ của giáo viên khi đặt các loại hình trò chơi này cạnh nhau là để các em không có sự phân biệt về vai trò của mình. Nấu ăn hay xây dựng, các em đều có thể tùy chọn. Jenny Johnsson (31 tuổi), giáo viên tại đây cho biết: “Xóa bỏ phân biệt giới tính là điều cần thiết để đất nước này phát triển hơn nữa. Nam giới ở đây vẫn được thiên vị”.

Dù trường Egalia chỉ mới hoạt động được một năm nhưng rất được chú ý. Nhiều người ủng hộ nhưng không ít người phản đối. Họ cho rằng trẻ em ở trường Egalia sẽ không cân bằng được khi trở về cuộc sống bình thường, nơi có sự “phân công” khá rõ về vai trò của mỗi cá nhân đi cùng giới tính của mình.

Giám đốc trường Egalia, bà Lotta Rajalin chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo một môi trường bình đẳng cho các em nhỏ. Nơi đây không định hướng giới tính cho các em bằng những hình mẫu công việc. Chúng tôi định hướng cho các em xác định khả năng và tìm niềm vui trong quá trình được tiếp cận với công việc. Chúng ta không nên giới hạn mỗi người trong một phạm vi nào đó. Hãy để họ tiếp cận tất cả và lựa chọn”.

Quan điểm về giới tính ở mỗi nơi có sự khác biệt nhất định. Cách làm của trường Egalia dù vấp phải nhiều sự phản đối nhưng cũng đã phản ánh một nhu cầu có thật, đó là nâng cao vai trò của mỗi cá nhân, hướng đến hiệu quả phục vụ cho xã hội. Tiếp cận những trò chơi đầu tiên để hiểu được sở thích của các em. Đó mới là cách tránh đi sự lệch lạc trong tâm lý, tránh được những khuôn mẫu giới hạn khả năng của những đứa trẻ này.

Kim Châu

Tin cùng chuyên mục