Câu chuyện có hậu về xứ “lâm tặc”

Ho Khanh Homestay
Câu chuyện có hậu về xứ “lâm tặc”

Khi anh Hồ Khanh, người dẫn đường số một ở Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) và ông Howart Limbert (quốc tịch Anh) được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba thì mọi người nói đó là câu chuyện có hậu ở xứ từng là trung tâm “lâm tặc”. Bây giờ người xứ Sơn Trạch đã cởi bỏ hoàn toàn tấm áo “lâm tặc” truyền đời để tiếp cận cách làm ăn đường hoàng bằng du lịch, một khái niệm mà nhiều năm trước, nơi đây hoàn toàn xa lạ.

Anh Hồ Khanh và ông Howart Limbert, hai người được nhận Huân chương lao động hạng ba.

Ho Khanh Homestay

Đó là thương hiệu mới của anh Hồ Khanh ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch. Thợ rừng ngày xưa đã trở thành dĩ vãng khi anh quyết tâm trả công bằng các chuyến dẫn dắt đoàn thám hiểm đến từ nước Anh vào những vùng hẻo lánh nhất của khối núi Kẻ Bàng để tìm kiếm các hang động tầm mức toàn cầu như Thiên Đường 31,4km, Sơn Đoòng lớn nhất thế giới... Ngày nay, cụm từ thợ rừng hay lâm tặc, với Hồ Khanh đã lui vào dĩ vãng bởi anh đã có một thương hiệu khác về cách làm du lịch cho cuộc mưu sinh phía trước cùng vợ con và người dân xung quanh.

Năm 2009, lúc đó, tôi gặp Hồ Khanh đang cuốc đất phía sau vườn nhà để trồng khoai lang phòng bữa giáp hạt ra giêng. Gia đình Hồ Khanh khó khăn, quay quắt với cái ăn, cái mặc. Nhưng sức hút tìm thêm hang động cho di sản quê hương vẫn không cản bước người đàn ông sạm nắng này. Bẵng đi một thời gian, cái tên Hồ Khanh trở nên nổi tiếng toàn cầu. Cứ một bài báo quốc tế viết về hang động khổng lồ lớn nhất thế giới Sơn Đoòng đều kèm theo tên tuổi của Hồ Khanh, người phát hiện và là nhân vật dẫn đường số một ở khu vực Kẻ Bàng.

Hồ Khanh kể: “Khách Tây họ đến chỉ để nhìn ngắm xem người tìm ra hang động lớn nhất thế giới như thế nào. Họ đều hình dung là một người to lớn, lực lưỡng. Nhưng tôi thì nhỏ bé. Người bắt tay, người sờ chân, người nheo mắt cười, và ai cũng muốn chụp ảnh chung”. Từ đó, ông Howart Limbert khuyến khích gia đình anh làm nhà nghỉ cộng đồng, mở quán cà phê, buôn bán nhỏ cho du khách với thương hiệu tên tuổi của ngay chính anh. Và thế là Ho Khanh Homestay ra đời. Trên luống đất mà anh từng trồng khoai trước đây nay đã thay đổi. Khanh mạnh dạn vay mượn gần 2 tỷ đồng dựng nhà gỗ ba gian cùng các căn nhà xây hiện đại, trồng gỗ huê xanh mướt cho khách nước ngoài thuê. Ngày nay anh không lo cái ăn, mà chú tâm phục vụ khách chu đáo. Gác nhà thông ra đến bờ sông Son nên Khanh hút cát làm bãi tắm miễn phí. Thế là khách luôn bị cuốn hút khi ở lại với gia đình Hồ Khanh, ăn món ăn do vợ Hồ Khanh phục vụ, rồi đưa những điều thú vị lên trang cá nhân của họ từ blog, facebook, twitter... giúp tên tuổi Ho Khanh Homestay ngày càng hấp dẫn.

Cả xã làm du lịch

Trung tâm xã Sơn Trạch hơn 25 năm trước trong con mắt của ông Howart Limbert chỉ có vài ba căn nhà xây cấp bốn, còn lại toàn nhà lá nghèo khó. Với ông, một dòng sông Son thơ mộng thôi cũng đủ đưa nó ra trước thế giới chứ chưa đề cập đến hang động lộng lẫy. Qua quá trình khám phá, mỗi năm, gia tài hang động cứ thế nhiều thêm, vang danh. Và ông quyết định ở lại để không chỉ tìm kiếm hang động, mà khích lệ người dân từ bỏ kiếp đời lâm tặc, chuyển sang làm du lịch để có thu nhập bền vững nhờ chở khách tham quan hang động và nhiều dịch vụ khác.

Ngày nay, trung tâm xã Sơn Trạch đã hình thành nên thị tứ sầm uất, mái nhà lá nghèo nàn năm xưa đã được thay thế hoàn toàn. Dịch vụ Homestay nở rộ, nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch Nguyễn Văn Hòa hồ hởi: “Nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được ngày nay vùng đất cửa ngõ di sản Phong Nha-Kẻ Bàng có thể phát triển như thế này. Cả xã đang làm du lịch. Công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi đều được du khách nước ngoài thích thú đến xem. Ngoài sản xuất mùa màng, nông dân cũng có thêm nguồn thu từ các khách muốn xuống ruộng làm đồng. Trước đây làm đồng, cứ mong có ai đến giúp, giờ tham gia du lịch, khách nước ngoài đến nhổ lạc, trẩy ngô không những họ ưng bụng mà còn trả tiền để được làm nữa”. 

Trên các nẻo làng quê của các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch... huyện Bố Trạch ngày nay người dân quen hẳn với hình ảnh người nước ngoài xa xôi đến đạp xe, tản bộ, “phượt” bằng xe máy, hoặc tắm ở bất cứ nơi nào của dòng sông Son một cách tự nhiên. Người dân với khách Tây trở nên thân thiện. Họ ăn món ăn bản địa mộc mạc mà cả đời họ chưa biết đến ở bên kia bờ đại dương, như món lạc rang hay bắp luộc, khoai lang nướng... Trong hơn 11.000 dân xã Sơn Trạch, theo ông Nguyễn Văn Hòa, có đến hơn 70% số dân của xã đã tham gia làm du lịch từ trực tiếp đến gián tiếp. Con cá, mớ rau, ruộng đồng, con trâu, con bò... tất tật liên quan đến đồng áng đều phục vụ du khách.

Niềm vui khó tả

Ông Howart Limbert cảm tưởng rằng, khi nhìn thấy người dân ở Sơn Trạch biết làm du lịch, cởi bỏ chiếc áo “lâm tặc”, đoạn tuyệt với phá rừng, ông có một niềm vui khó tả. Công lao của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do ông đứng đầu đã làm được nhiều việc. Trong đó đưa đến các khái niệm làm du lịch bền vững cho những cư dân sơn cước là một kỳ công. Bên bờ sông Son, nhìn từng con đò chở khách vào động Phong Nha, bất giác ông Howart Limbert thốt lên: “Thế là tốt rồi, tôi cùng các thành viên trong đoàn thám hiểm đã không hoài công khi quyết tâm khám phá bên trong khối núi Kẻ Bàng để người dân nơi đây biết khai thác và được hưởng lợi.

Lúc biết tin Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba cho cá nhân ông, ông Howart Limbert hoàn toàn bất ngờ. Ông xem đó không chỉ là phần thưởng cho cá nhân, mà còn là lời vinh danh, ghi nhận của Nhà nước dành cho cả đoàn thám hiểm. Còn anh Hồ Khanh cảm động rơi nước mắt: “Thật không ngờ, một người như tôi, lao động chân tay lại được nhận phần thưởng lớn của Chủ tịch nước. Hoàn toàn trong suy nghĩ, tôi chưa bao giờ mơ đến giấc mơ này, nhưng giấc mơ đã thành hiện thực”.

Năm nay, ông Howrt Limbert đã gần 60 tuổi, ông và vợ cũng tính đến tương lai sẽ nghỉ tuổi già ở Anh quốc bởi sức đi rừng tìm kiếm hang động rồi cũng có hạn. Nhưng nhớ lại, tất cả chi phí trong hàng chục năm qua để tìm kiếm gia tài hang động cho đất nước, con người Việt Nam ở tỉnh Quảng Bình, đều do ông chắt chiu tiết kiệm từng đồng cùng với các thành viên để chi trả cho các chuyến thám hiểm, ông đều cho đó là xứng đáng. Bởi nụ cười người dân xứ Sơn Trạch và Quảng Bình thân thiện nên ông quyết giúp họ bằng tấm chân tình. Và nay thì mọi chuyện đang có thành quả với bà con nơi đây, quê hương của vương quốc hơn 300 hang động kỳ vĩ.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục