Câu chuyện từ những món quà

Như nhiều bậc cha mẹ khác, ngày các con tôi học cấp 1, tôi luôn bị  rối trí mỗi khi các con được bạn mời đi sinh nhật. Với trẻ nhỏ, đấy là niềm vui được giao tiếp, được bạn quý trọng và thân thiện. Nhưng mỗi khi đi chọn quà cùng các con, tôi luôn như phải giải một bài toán đố. Trẻ em sống ở TP, luôn thích mua những món quà hoành tráng, rực rỡ, lại còn tranh nhau, quà của mình phải to hơn quà của bạn khác để chứng tỏ… đẳng cấp. Lớp học của cháu có khoảng 50 bạn, mỗi năm cháu nhận được hơn nửa số đó thiệp sinh nhật. Giá của mỗi món quà ngày ấy rẻ lắm cũng khoảng 50.000 đồng. Nhưng có một điều, cũng như con tôi, những món quà hào nhoáng ấy thường không thiết thực, nhiều khi bị bỏ lăn lóc, lãng phí.  

Một lần, cả gia đình tôi ngồi bàn với nhau về việc này. Tôi bảo các cháu lập danh sách những bạn thân nhất. Hai đứa tính đi tính lại cuối cùng mỗi cháu vẫn còn lại là... 20 bạn thân. Cuối cùng, chúng tôi đi đến quyết định: Ba mẹ chỉ “bao cấp” quà sinh nhật cho 5 bạn năm thân nhất trong một năm, phần còn lại thì các con phải tự lo. Thế là mỗi lần được mời sinh nhật, chúng tôi hướng dẫn các cháu làm thiệp, làm đồ thủ công tặng bạn. Những món quà sáng tạo, độc đáo ấy được bạn bè rất thích nên các cháu thêm hứng khởi.

Khi các con học cấp 3, chi phí giao tiếp với bạn bè tăng lên. Mùa hè năm lớp 10, con trai tôi xin đi làm thêm. Tôi tìm cho cháu việc phụ soát vé ở rạp chiếu phim. Làm cả tháng hè, nhưng lương chỉ có vài trăm ngàn đồng/tháng, cháu có vẻ băn khoăn. Tôi bảo: “Con chẳng có bằng cấp gì, lương như vậy là phải rồi”. Cháu nghe và đi làm, bù lại cháu được xem phim miễn phí. Vào dịp tết, cháu nhận việc tiếp thị cho phim Việt. Ngày đầu tiên đi phát tờ rơi ở siêu thị, cháu đi xe ôm hết 20.000 đồng, bằng đúng số tiền thù lao cháu nhận được trong ngày. Hôm sau, cháu tự động lấy xe đạp đi sớm đến nơi làm việc.

Ngày cận tết, cháu phát tờ rơi ở công viên, gặp gia đình ông tổng giám đốc công ty của ba cháu cùng gia đình du xuân. Hôm sau, trà dư tửu hậu, ông tổng giám đốc bảo chồng tôi: “Gia đình cậu có điều kiện sao lại bắt con đi làm?”. Chồng tôi kể chuyện từ khi đi làm thêm, cháu hiểu hơn giá trị của lao động, quý trọng đồng tiền. Ông nghe xong, suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Năm sau, nhớ bảo cháu rủ con mình đi làm với”. Con gái tôi lên cấp ba cũng xin làm ở hội chợ vào dịp hè. Đêm nào về khuya hay mưa gió, chúng tôi đến tận nơi đón cháu, vừa đi vừa trò chuyện về kinh nghiệm công việc, về đối nhân, xử thế.

Giờ đây, cả hai con đều đi du học, biết tự lập, luôn cùng cha mẹ bàn bạc về kế hoạch của cuộc đời và trên hết là các cháu biết quý thời gian, trân trọng lao động và luôn sáng tạo.

MINH MINH

Tin cùng chuyên mục