Cầu, đường, cổng bệnh viện thành chợ

Dù đang trong Năm An toàn giao thông, tại TPHCM thời gian gần đây, tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để họp chợ tự phát lại diễn ra tràn lan. Hầu như vỉa hè ở các khu vực gần nhà máy xí nghiệp, trước cổng bệnh viện và trong khu đô thị mới đều bị biến thành chợ.
Cầu, đường, cổng bệnh viện thành chợ

Dù đang trong Năm An toàn giao thông, tại TPHCM thời gian gần đây, tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để họp chợ tự phát lại diễn ra tràn lan. Hầu như vỉa hè ở các khu vực gần nhà máy xí nghiệp, trước cổng bệnh viện và trong khu đô thị mới đều bị biến thành chợ.

Vô tư mua bán trên cầu, giữa đường

Trên địa bàn TPHCM đã có nhiều siêu thị ra đời và ngày càng khẳng định được xu thế phát triển. Tuy nhiên hầu hết các siêu thị tập trung ở khu vực nội thành, các quận trung tâm, còn tại các quận vùng ven, ngoại thành, nơi tập trung của nhiều nhà máy, xí nghiệp thì hệ thống siêu thị chưa vươn đến. Người dân vẫn tranh thủ tấp xe máy vào lề mua hàng rồi đi ngay, không phải mất nhiều thời gian và công sức gửi xe vào chợ hay siêu thị. Người bán tại chợ tự phát không cần phải có nhiều vốn để sang quầy sạp trong chợ và kinh doanh không phải đóng thuế. Chính vì vậy ngày càng có thêm nhiều chợ tự phát mọc lên.

Dọc theo quốc lộ 1A, 1K (đoạn qua địa bàn phường Linh Xuân, Linh Trung, quận Thủ Đức), đường Lã Xuân Oai (phường Trường Thạnh, quận 9), đường Phạm Hùng (quận 8)… có nhiều chợ tự phát, họp trên các bãi đất trống ven đường, ngay trước cổng các nhà máy, xí nghiệp. Các chợ này chủ yếu cung ứng thực phẩm cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và cư dân các khu đô thị mới. Chợ họp ven đường nhưng thường xuyên lấn cả ra đường, do người bán muốn bày hàng hóa dễ tiếp cận người đi đường, và do người mua đậu xe máy ngay dưới lòng đường, do vậy rất dễ gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Ngay trên cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, nối quận Gò Vấp - quận 12), cầu Trường Đai (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp), cầu Tham Lương (đường Trường Chinh, quận Tân Bình)… cũng bị chiếm dụng để họp chợ. Họp chợ ngay trên cầu, người mua bán tấp nập nên xe cộ qua lại các cầu này rất khó khăn, thường xảy ra ùn tắc giao thông. Ở các quận ven và huyện ngoại thành, có nhiều con đường bị biến thành chợ. Đường Nguyễn Xí (phường13, quận Bình Thạnh) từ nhiều năm qua trở thành khu chợ sầm uất kéo dài gần 300m. Hai bên đường bày các sạp hàng, với đủ các loại thực phẩm rau quả, thịt heo, cá... Giữa đường là nơi của những người bán hàng lưu động. Chợ họp từ 6 giờ sáng đến 20 giờ.

Nhà chờ xe buýt (trên đường Lý Thái Tổ quận 10) bị chiếm dụng, kê bàn ghế bán đồ ăn, đồ dùng cá nhân. Ảnh: THANH HẢI

Nhà chờ xe buýt (trên đường Lý Thái Tổ quận 10) bị chiếm dụng, kê bàn ghế bán đồ ăn, đồ dùng cá nhân. Ảnh: THANH HẢI

Đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) nối đường Kha Vạn Cân và quốc lộ 13 vừa được đầu tư nâng cấp mở rộng, nhưng ngay sau khi được đưa vào sử dụng đã bị biến thành khu chợ tự phát quy mô lớn, kéo dài suốt hơn 500m đường và đang không ngừng phát triển kéo dài thêm. Cũng như các chợ tự phát khác, ở đây ngoài việc bán các loại hàng hóa nhu yếu phẩm, còn có nhiều điểm bày bán, giết mổ gia cầm giao ngay cho khách hàng. Đây là con đường có nhiều người qua lại, nên cảnh tắc đường, kẹt xe thường xuyên xảy ra.

Bát nháo trước bệnh viện

Tại cổng các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, trước đây chỉ thấy cảnh họp chợ bát nháo trước Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng nay đã diễn ra tràn lan. Trước cổng nhiều bệnh viện như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Hùng Vương, Từ Dũ, Nhi đồng 1… đã bị biến thành nơi buôn bán nhộn nhịp không khác gì một cái chợ, với đầy đủ các mặt hàng từ đồ dùng cá nhân, quần áo đến thức ăn… Chợ tự phát trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, quận 10) luôn nhộn nhịp. Ngay mặt tiền cổng bệnh viện, người bày bán quần áo và đồ chơi trẻ em, nhà chờ xe buýt cũng bị chiếm dụng, chỗ cho hành khách ngồi đón xe biến thành nơi kê bàn ghế bán đồ ăn, đồ dùng cá nhân… Cổng bệnh viện càng bát nháo hơn vì các xe taxi cũng chen chúc đậu đón khách mặc dù có biển cấm đậu xe. Khi lề đường trước bệnh viện trở thành nơi họp chợ, người đi bộ phải đi xuống lòng đường và đã có không ít trường hợp bị tai nạn giao thông.

Tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường ngày càng diễn ra tràn lan, cho thấy việc thực hiện yêu cầu lập trật tự lòng lề đường, tăng cường an toàn giao thông, giữ mỹ quan đô thị và xây dựng TPHCM văn minh hiện đại vẫn còn rất hạn chế và đang dần buông lơi. Đã đến lúc chính quyền TPHCM và các địa phương trên địa bàn phải kiên quyết chấn chỉnh, dẹp bỏ chợ tự phát. Không thể chỉ thỉnh thoảng đi phạt, tịch thu hàng hóa, giải tỏa như “bắt cóc bỏ dĩa”, mà phải duy trì trực gác thường xuyên, có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa bàn giáp ranh và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố.

NGUYỄN HIỀN - THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục