Cầu, đường mới xây đã lún, nứt

Điệp khúc lún, nứt
Cầu, đường mới xây đã lún, nứt

Những năm qua, TPHCM đã bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để xây dựng những cây cầu vượt sông kiên cố với thiết kế có tuổi thọ lên đến cả trăm năm. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện nay tại một số công trình vừa mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng lún, nứt cục bộ.

Đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM bị lún nứt.

Đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM bị lún nứt.

Điệp khúc lún, nứt

Được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2010, cầu Thủ Thiêm (nối Bình Thạnh với quận 2) có tuổi thọ thiết kế 100 năm. Đây là công trình giao thông trọng điểm của TPHCM và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu. Dù mới đưa vào sử dụng, nhưng tại các nhánh cầu dẫn Thủ Thiêm và hầm chui nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (phía quận Bình Thạnh, TPHCM) xuất hiện các vết nứt và lún kéo dài. Cụ thể, tại nhánh cầu dẫn N2 (cầu dẫn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đi lên cầu chính) và nhánh N3 (cầu dẫn từ cầu chính rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Cảnh ra hướng cầu Sài Gòn) mặt đường xuất hiện vết nứt kéo ngang từ bên này qua bên kia cầu dài mỗi bên hơn 10m, với bề rộng 2-3cm.

Ngoài ra, tại chân nhánh cầu dẫn N1 (cầu dẫn từ cầu chính rẽ trái vào đường Nguyễn Hữu Cảnh về Tôn Đức Thắng) thuộc phường 22, quận Bình Thạnh mặt cầu xuất hiện lún cục bộ và hai bên thành cầu bị nứt kéo dài khoảng 20m. Trong khi đó, tại phần đường dẫn xuống hầm chui nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (một hạng mục của dự án cầu Thủ Thiêm) chiều từ cầu Sài Gòn về quận 1, mặt đường cũng xuất hiện tình trạng lún cục bộ tới 2-3cm.

Tại công trình đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM vừa mới khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010 nhưng hiện tại khu vực chân cầu đã xuất hiện tình trạng lún, nứt kéo dài và rộng. Tương tự, tại một số cầu vượt nằm trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt như cầu Rạch Nước Lên, cầu vượt quốc lộ 1A-Võ Văn Kiệt… cũng xuất hiện tình trạng lún, nứt ở các mố cầu và nhịp co giãn.

Cụ thể, tại hai đầu nhánh cầu vượt quốc lộ 1A-Võ Văn Kiệt (chiều từ quận 1 về quốc lộ 1A) và nhánh cầu vượt quốc lộ 1A2 (chiều từ quốc lộ 1A về quận 1) nằm trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân và xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM mặt cầu xuất hiện vết nứt kéo ngang từ bên này sang bên kia cầu dài khoảng 20m. Riêng tại khu vực hai bên thành cầu xuất hiện tình trạng lún, nứt rộng 2-3cm và kéo dài khoảng 10m. Nghiêm trọng hơn, tại nhánh cầu vượt quốc lộ 1A1 (chiều từ quận 1 về quốc lộ 1A nằm phía xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) dù chưa hoàn thành và phương tiện chưa lưu thông qua lại nhưng mặt cầu và thành cầu vẫn xuất hiện vết nứt, lún nền.

Điều đáng nói là tình trạng lún, nứt mặt cầu và đường dẫn lên các cầu xảy ra sau khi các công trình mới đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn và các đơn vị liên quan đã xử lý bằng việc bù lún nhưng tình trạng lún vẫn tiếp tục diễn ra. Đơn cử, tại chân nhánh cầu dẫn N1 của cầu Thủ Thiêm, cầu vượt giao quốc lộ 1A và đại lộ Võ Văn Kiệt… đơn vị thi công dự án đã tiến hành sửa chữa, bù lún nhưng mặt cầu vẫn bị lún và nứt kéo dài.

Nhánh cầu dẫn N1 của cầu Thủ Thiêm, phía quận Bình Thạnh dù đã được bù lún nhưng vẫn tiếp tục bị lún, nứt.

Nhánh cầu dẫn N1 của cầu Thủ Thiêm, phía quận Bình Thạnh dù đã được bù lún nhưng vẫn tiếp tục bị lún, nứt.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV Báo SGGP về tình trạng này, kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Xây dựng TPHCM cho rằng: Sở dĩ có tình trạng lún, nứt tại một số công trình cầu đường mới xây dựng là do địa chất ở TPHCM và khu vực Nam bộ có nền đất yếu, trong khi đó khâu khảo sát địa chất thi công không kỹ dẫn đến việc sử dụng công nghệ để ổn định nền đất không phù hợp nên gây ra tình trạng lún, nứt. Do đó, để giải quyết tình trạng lún, nứt, trước mắt chúng ta tiếp tục cho bù lún. Nếu sau 3-4 tháng vẫn tiếp tục xảy ra lún, cần khảo sát lại và tìm phương án xử lý khác. Cụ thể, phải khoan thăm dò, khảo sát lại địa chất và tìm công nghệ ổn định nền móng phù hợp để xử lý lún như dùng cọc bê tông cốt thép.

Bên cạnh đó, tình trạng lún, nứt ở một số công trình cũng không loại trừ nguyên nhân do xe siêu trường, siêu trọng lưu thông gây quá tải. Do đó, để hạn chế tình trạng lún nứt ở những tuyến đường có nhiều xe siêu trường, siêu trọng lưu thông, ngành giao thông cần xây dựng những công trình dành riêng cho loại xe này.

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục