Mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt bao quanh, TPHCM có tiềm năng phát triển giao thông thủy rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống giao thông thủy chưa thể phát huy được, vì rất nhiều cây cầu bắc qua sông quá thấp khiến tàu thuyền không thể lưu thông.
- Gầm cầu chạm mặt nước
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP có 112 tuyến sông, kênh, rạch, 574km đường thủy nội địa địa phương... với tổng chiều dài gần 1.000km và có khoảng gần 240 cây cầu các loại bắc qua hệ thống sông rạch. Trong đó có hơn 200 cây cầu có tĩnh không thấp hơn 3m, khi thời tiết diễn biến thất thường cùng với triều cường khiến ghe tàu, sà lan không thể lưu thông.
Với mạng lưới giao thông thủy huyết mạch hiện nay của TP không chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa, giao thông công cộng mà còn có tiềm năng phát triển vận tải du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, hoạt động du lịch và vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù đã có nhiều hội thảo về vấn đề này.
Đơn cử, 9 cây cầu nằm rải rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NLTN) đều có tĩnh không rất thấp (chỉ dưới 1m) nên phương tiện thủy không thể “chui” qua. Tương tự, cầu Bình Lợi với độ tĩnh không chưa đến 2m, hễ có mưa lớn kết hợp triều cường là xảy ra ùn ứ tàu bè.
Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc tại khu vực trên, Sở GTVT TP đã kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng đoạn đường sắt trên cao vượt sông Sài Gòn (đoạn qua Bình Triệu - Hòa Hưng) nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nhưng dự án này hiện vẫn ì ạch.
Không chỉ đối với những cây cầu cũ, những năm qua một số dự án xây cầu mới cũng chưa chú trọng đến độ tĩnh không của cầu khiến nhiều cây cầu thấp, gây cản trở giao thông thủy như: cầu Rạch Đĩa 1, Phước Lộc, Rạch Tôm, Tư Dinh, Đa Khoa… tĩnh không khoang thông thuyền thấp (0,8 - 2m).
Đối với các tuyến sông chính đi về các địa phương khác, hiện nay chỉ có tuyến kênh Đôi và kênh Tẻ, ghe tàu lưu thông tương đối thông thoáng. Còn lại một số tuyến sông rạch từ TPHCM đi về hướng tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh tuy có luồng sông rộng và sâu, thuận tiện cho tàu thuyền tải trọng lớn lưu thông, nhưng đều vướng một số cây cầu thấp. Do đó, trên những tuyến này hiện nay chủ yếu là ghe tàu nhỏ lưu thông vận chuyển hàng hóa.
- Xây lại cầu mới?
Năm 2009, UBND TPHCM đã yêu cầu các địa phương liên quan cùng các sở, ngành nghiên cứu tổ chức khai thác du lịch trên các tuyến kênh ở thành phố. Thế nhưng yêu cầu này dường như là một thách đố đối với các địa phương, bởi bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có đến hơn 9 cây cầu có tĩnh không thấp từ 0,5 - 1m, mỗi khi thủy triều lên, sà lan cũng không qua được, huống hồ thuyền du lịch.
Nhiều chuyên gia về giao thông thủy cho rằng, với tĩnh không khoang thông thuyền của các cầu như trên, dù có nạo vét luồng lạch sâu đến 10m đi nữa tàu thuyền cũng không thể lưu thông. Đây quả là một bài toán khó. Để giải quyết cùng lúc vừa cho đường bộ, vừa cho đường thủy phải xây lại toàn bộ những cây cầu này.
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP, các cây cầu ở TPHCM đều xây dựng cách đây mấy chục năm, thời điểm ấy chưa tính toán đến độ cao thông tàu thuyền. Còn hiện nay việc xây dựng một cây cầu mới đảm bảo các phương tiện thủy loại trung bình có thể lưu thông qua thì mố cầu phải cao, cầu phải dài ra và tất nhiên kinh phí xây dựng cầu mới sẽ cao. Trong lúc hàng loạt dự án giao thông đang bị đình hoãn, giãn tiến độ, vốn dành cho đầu tư vào lĩnh vực này rất khó khăn.
Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP) cho biết, năm 2001, TPHCM mới có quy hoạch đường thủy nội địa. Trước đó, tất cả công trình xây dựng cầu đều không có quy định về tĩnh không. Vì thế, chủ đầu tư khi xây dựng cầu đều hạ tĩnh không xuống mức thấp nhất để giảm chi phí. Hơn nữa, về mặt kỹ thuật, nếu xây cầu với tĩnh không cao bắt buộc phải tăng chiều dài của cầu, khi đó kinh phí xây dựng rất lớn. Đây là nguyên nhân vì sao hầu hết cầu ở TPHCM có tĩnh không từ 1,5 - 2m. Chỉ từ năm 2001 đến nay việc xây cầu và xác định tĩnh không mới căn cứ vào hệ thống sông, rạch.
Q. HÙNG - L. THIỆN