Ngay khi mùa bóng 2013 vừa kết thúc, cả làng cầu Việt Nam đã xôn xao khi Bình Dương mua một loạt cầu thủ ngôi sao với cái giá được cho là lên đến vài chục tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, Bình Dương đang “chơi ngông” trong bối cảnh cả nền kinh tế đất nước đang phải thắt lưng, buộc bụng. Nhưng lãnh đạo B.Bình Dương lại xoa tay tỏ vẻ hài lòng vì đã mua được những người mà họ muốn với “giá hời”.
Theo phân tích của đại diện CLB Bình Dương, như trường hợp của tiền vệ tuyển thủ quốc gia Nguyễn Trọng Hoàng, đây đã là lần thứ 3 xúc tiến việc chuyển nhượng sau 2 lần Bình Dương không chấp nhận giá mà cầu thủ này đưa ra. Nói như vậy để thấy, đấy là một thương vụ “thuận mua, vừa bán” chứ không có chuyện “phá giá” hay “chơi ngông”. Ngoài ra, phía Bình Dương còn giải thích, họ mua cầu thủ một lần nhưng tiền trả có giá trị theo từng năm chứ không có chuyện “trả một cục” như trước đây. Hơn nữa, phần lớn cầu thủ chủ động tìm đến thay vì CLB phải tốn công sức lẫn tiền bạc để có được chữ ký.
Nhìn vào diễn biến của thị trường cầu thủ nội địa hiện nay, có thể thấy cách giải thích của Bình Dương là hợp lý. Mới đây, những ngôi sao một thời như Tài Em, Việt Thắng hay Quang Thanh đã chuyển đến thi đấu cho Đồng Tâm Long An, đội bóng đang được cho là sẽ được Tập đoàn Đồng Tâm trả về lại cho địa phương, tức là sẽ rơi vào tình trạng eo hẹp tài chính. Điều này có nghĩa, cầu thủ Việt hiện nay, dù là ngôi sao đi nữa, đang cần việc hơn là cần tiền. Xin nhớ là Đồng Tâm Long An từng đưa ra mức giá 5 tỷ đồng để giữ chân Tài Em cách đây 3 năm, nhưng vẫn không ngăn được công thần ngày nào sang đầu quân cho Navibank Sài Gòn trong bối cảnh giá trị cầu thủ bị “thổi” lên vô tội vạ.
Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Sông Lam Nghệ An chỉ phải trả hơn 1 tỷ đồng cho Hà Nội ACB để mua đứt hợp đồng của tiền đạo đang đá tại Nhật Bản - Lê Công Vinh. Họ cũng không còn mặn mà để giữ chân các trụ cột tầm cỡ như Trọng Hoàng dù mức phí chỉ còn 1/5 so với trước. Hai năm qua, “nhà giàu” như Hà Nội T&T cũng chỉ bổ sung một ngôi sao duy nhất là Phạm Thành Lương với giá chưa đến 1 tỷ đồng, còn SHB Đà Nẵng bán đi chứ không mua vào. Khủng hoảng tài chính khiến các CLB phải tiết kiệm chi tiêu là một chuyện, nhưng cái chính là cầu thủ Việt đã về đúng với giá trị thực. Thị trường chuyển nhượng được vận hành đúng bản chất của nó khi chính cầu thủ phải tự đi tìm việc thay vì qua “cò” đẩy giá ăn hoa hồng. Công sức cầu thủ được trả bằng lương (không thấp) thay vì bằng tên tuổi được PR quá mức bởi hệ thống “cò” cầu thủ ngoài luồng.
Giới quan sát đánh giá tích cực xung quanh các chuyển động ấy. Trên thực tế, bóng đá nội địa đã tự đánh mất giá trị của mình khi tiêu cực, bạo lực và các vấn nạn trọng tài vẫn đang “tàn phá” vẻ đẹp của bóng đá. Ngay chính những ông chủ như bầu Đức cũng “sợ” bóng đá nội địa đến mức ông phải tuyên bố lứa cầu thủ được đào tạo tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai không được phép thi đấu tại V-League. Bầu Đức nói thẳng, ông không thể đầu tư mấy triệu USD để rồi những “sản phẩm” của mình bị bóng đá Việt Nam làm thui chột tài năng với những thứ giá trị không thực chất.
VIỆT QUANG