Cấu trúc gia đình ngày càng dễ vỡ

Số vụ án ly hôn tại TPHCM đang tăng nhanh, từ 18.000 vụ năm 2010 đã lên đến hơn 22.000 vụ. Trong đó có khoảng 1.000 vụ ly hôn với người nước ngoài. 60% số vụ ly hôn là các vợ chồng trẻ. Đây là những con số đáng lo ngại, cho thấy cấu trúc gia đình ngày càng dễ vỡ.
Cấu trúc gia đình ngày càng dễ vỡ

Số vụ án ly hôn tại TPHCM đang tăng nhanh, từ 18.000 vụ năm 2010 đã lên đến hơn 22.000 vụ. Trong đó có khoảng 1.000 vụ ly hôn với người nước ngoài. 60% số vụ ly hôn là các vợ chồng trẻ. Đây là những con số đáng lo ngại, cho thấy cấu trúc gia đình ngày càng dễ vỡ.

Đám cưới tập thể cho công nhân nghèo là một trong những cách hỗ trợ thiết thực của TPHCM với tình cảm trân trọng nền tảng hôn nhân - gia đình. Ảnh: THANH HẢI

Đám cưới tập thể cho công nhân nghèo là một trong những cách hỗ trợ thiết thực của TPHCM với tình cảm trân trọng nền tảng hôn nhân - gia đình. Ảnh: THANH HẢI

Nguội lạnh và bạo lực

Quyền kết hôn và cả quyền ly hôn đều được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Xã hội ngày càng phát triển, quyền tự do, bình đẳng của mỗi người càng được khẳng định thì việc ly hôn khi không tìm thấy hạnh phúc trong quan hệ hôn nhân được xem là điều bình thường. Tuy nhiên, theo các vị thẩm phán tại một số tòa án quận ở TPHCM, những năm gần đây, số vụ án ly hôn do ngoại tình chiếm tỷ lệ cao nhất. Không chỉ ở TPHCM mà ở khắp cả nước, tình trạng ngoại tình đang bào mòn hạnh phúc gia đình, khiến cấu trúc gia đình trở nên mong manh, dễ vỡ.

Vợ chồng chị Đ.T.H. (ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận) yêu nhau từ thời còn là học sinh phổ thông, cùng tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định rồi mới cưới. Vậy nhưng chỉ sau gần 2 năm chung sống, họ đưa nhau ra tòa ly dị với lý do ghi trong đơn là vì “không còn thấy sự hấp dẫn ở nhau và cả hai cùng mong muốn giải thoát cho nhau để đến với mối tình cùng đồng nghiệp”. Nhiều cặp vợ chồng khác cũng ly hôn vì lý do tương tự nhưng không thẳng thắn nêu ra như vậy, thường họ chỉ nêu lý do “không hợp nhau”, nhưng qua xem xét các thẩm phán cũng không khó nhận ra nguyên nhân có “người thứ ba”.

Nguyên nhân chiếm tỷ lệ thứ hai trong các vụ ly hôn là do bạo lực gia đình. Trước đây người phụ nữ thường cam chịu, miễn sao con cái được sống trong gia đình có đầy đủ cha mẹ, nhưng ngày nay, nếu chủ động được kinh tế, người phụ nữ sẵn sàng sống tự lập chứ không cam chịu cảnh bị chồng hành hung, xúc phạm. Chị N.T.N. (ngụ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) nộp đơn gửi tòa án xin giải quyết ly hôn, giãi bày tình cảnh của mình: “Chồng tôi chỉ nhậu nhẹt không lo làm ăn. Nếu chỉ vậy thì tôi cũng nhắm mắt cho qua, nhưng đằng này nhậu xỉn lại lôi vợ con ra đánh đập, mỗi tuần mẹ con tôi bị đánh 3 - 4 lần, khiến con gái 8 tuổi bị trầm cảm, còn con trai 4 tuổi cứ nhìn thấy ba là khóc thét lên. Ly hôn sẽ giúp tụi nhỏ thoát khỏi cảnh đòn roi, cuộc sống sẽ êm ả hơn”. Số vụ ly hôn với người nước ngoài cũng tăng. Đó là chuyện không khó lý giải khi nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua con đường môi giới hôn nhân bất hợp pháp, chỉ vì mục đích kinh tế hoặc để xuất cảnh.

Thảm cảnh gia đình

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà (Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) nhận định: “Chính do sự dễ dãi khi quyết định kết hôn nên rất dễ dẫn đến ly hôn”. Bà Phan Thị Hằng, thẩm phán TAND quận Phú Nhuận, cho biết: “Những năm gần đây, ly hôn nhiều nhất trong độ tuổi 25 - 39 và giới văn phòng chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân chủ yếu là do ngoại tình, sau đó là do yếu tố kinh tế và bạo lực gia đình”. Sự mong manh của cấu trúc gia đình thể hiện qua hiện tượng cứ vào mùa bóng đá thì số đơn xin ly hôn tăng mạnh, do các ông chồng đem tài sản gia đình đi cá cược, khiến nợ nần chồng chất, người vợ không chịu nổi nên đâm đơn ly dị.

Xem ra, ly hôn là giải pháp tốt nhất cho những cuộc hôn nhân đổ vỡ. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ không chỉ dừng lại ở việc ly hôn mà đã liên tục xảy ra những thảm cảnh vợ chồng giết nhau hoặc giết con cái. Lật lại các vụ án mạng trong gia đình, thật đau lòng khi có kẻ giết người thân vì lý do thiếu kiềm chế: vợ giết chồng vì say xỉn; cha giết con vì quấy khóc; cha giết con vì nghi ngờ vợ ngoại tình; mẹ giết con rồi tự tử vì giận chồng... Hầu hết những vụ án này đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, nhận thức hạn chế; lại không được sự cảm thông chia sẻ của người thân và xã hội; thiếu kinh nghiệm sống nên khi quẫn bách trong việc giải quyết mâu thuẫn gia đình dẫn đến nông nổi làm liều, sát hại người thân

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà tư vấn: “Để vượt qua những bế tắc trong cuộc sống gia đình, mỗi cá nhân phải trang bị cho mình những kỹ năng sống, mở rộng các mối quan hệ xã hội, luyện cách giữ bình tĩnh trước mọi vấn đề, nhận thức đúng sự việc. Nếu quá bế tắc hãy tìm đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tổ chức… để tìm sự chia sẻ, giúp đỡ”.

Thu Hường

Tin cùng chuyên mục