Cây đặc sản Đà Lạt - Về đâu?

Dâu tây và atisô là hai loại cây đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt. Nhưng vài năm trở lại đây, do dịch bệnh hoành hành, giá cả bấp bênh nên nông dân không còn mặn mà, diện tích dâu tây và atisô ở Đà Lạt đang ngày một thu hẹp và có nguy cơ xóa sổ.
Cây đặc sản Đà Lạt - Về đâu?

Dâu tây và atisô là hai loại cây đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt. Nhưng vài năm trở lại đây, do dịch bệnh hoành hành, giá cả bấp bênh nên nông dân không còn mặn mà, diện tích dâu tây và atisô ở Đà Lạt đang ngày một thu hẹp và có nguy cơ xóa sổ.

Atisô bí đầu ra

Đến Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt) lần này, chúng tôi được Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, ông Hồ Ngọc Dinh thông báo một tin không vui, đó là diện tích gieo trồng atisô năm nay lại giảm thêm 10ha so với năm ngoái, chỉ còn 40ha. Thái Phiên là vùng chuyên canh cây atisô của Đà Lạt và hiện diện tích gieo trồng atisô của Thái Phiên chiếm đến 90% diện tích toàn thành phố.

Bén rễ cách đây hàng chục năm, loài cây vừa làm thực phẩm vừa làm dược liệu này đã từng gắn bó và giúp nhiều nông dân Đà Lạt làm nên cơ nghiệp. Thời hoàng kim, khoảng năm 1997 đến 1999, vùng Thái Phiên có hơn 100ha atisô, giá bán cũng cao ngất ngưởng với 120.000 đồng/kg bông khô, tương đương mức giá hiện tại, trong khi mức đầu tư thấp.

Tuy nhiên, khoảng từ năm 2007 đến nay, giá atisô liên tục sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg bông tươi, 70.000 đồng/kg bông khô. Trong khi đó, công nghệ trồng hoa nhà kính đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo tính toán của nông dân, trồng 1ha hoa cúc thu khoảng 600 triệu đồng, lãi 300 triệu đồng/vụ (3 tháng) và mỗi năm trồng được 3 vụ. Atisô cũng thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha, nhưng mỗi năm chỉ được 1 vụ. Lợi nhuận chênh lệch đáng kể như vậy nên việc nông dân quay lưng với atisô cũng là điều dễ hiểu. Không những thế, trồng cúc có chu kỳ mùa vụ ngắn, mất vụ này còn vụ khác, ít rủi ro và nhanh thu hồi vốn hơn trồng atisô.

Dâu tây chết vì dịch bệnh

Cùng chung số phận với atisô, cây dâu tây cũng không còn được nông dân Đà Lạt mặn mà, nhưng không phải vì giá cả mà vì dịch bệnh. Dạo qua các vùng trồng dâu tập trung trước đây như: ấp Hà Đông, đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực… không còn thấy nhiều vườn dâu.

Ông Văn Quang Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 (TP Đà Lạt) cho biết, giai đoạn 2004 – 2006, diện tích dâu tây trên địa bàn lên đến 30ha, nay vì dịch bệnh nên nông dân chuyển sang trồng rau, hoa, diện tích dâu tây còn khoảng 5ha.

Cây đặc sản Đà Lạt - Về đâu? ảnh 1

Dâu tây Đà Lạt “lâm bệnh”, chưa có thuốc chữa

Tình trạng dâu tây Đà Lạt “lâm bệnh” xảy ra từ nhiều năm trước nhưng nặng nhất vào khoảng năm 2009 – 2010. Chị Hoàng Thị Lan, người có thâm niên trồng dâu tây hơn 10 năm ở đường Trạng Trình, cho biết, trước đây, người trồng dâu Đà Lạt chuộng nhất giống Mỹ Đá, nhưng khoảng 3 năm nay, giống dâu này cứ trồng khoảng 2 tháng thì bị rũ lá rồi chết. Hiện nhiều hộ đang chuyển sang trồng giống Langbian, mùa nắng cho trái nhiều nhưng đến mùa mưa thì lá bị xì mủ, đỏ cọng, teo trái…

Cũng theo chị Lan, với mức giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, nếu mùa nào dâu không chết nhiều thì thu nhập khá hơn làm rau, hoa. Vì vậy, nhiều người vẫn kiên trì bám vườn dâu, chấp nhận hên xui.

Trước tình trạng này, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã lấy mẫu gửi giám định để tìm thuốc trị. Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, dâu tây Đà Lạt bị thối rễ, héo thân là do nấm tấn công vào hệ rễ, làm rễ thối, cây không có khả năng hút nước và dinh dưỡng. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, khi đất khó thoát nước.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều giải pháp phòng trừ nấm bệnh như: thu dọn đồng ruộng, trồng mật độ hợp lý, không để ruộng quá ẩm và dùng một số loại thuốc hóa học.

Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, với điều kiện thời tiết Đà Lạt thì việc giữ vườn dâu khô thoáng trong mùa mưa là điều không dễ, ngoại trừ đầu tư nhà kính. Vì thế, chỉ còn cách dùng thuốc hóa học, và thực tế hiện nay tình trạng sử dụng thuốc hóa học quá mức trên vườn dâu đang phổ biến.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục