Cây mận trước sân nhà

Cây mận trước sân nhà

Anh kể chuyện...
Ngày xưa… bên cửa nhà anh có cây mận. Cây mận có trái màu đỏ, càng chín màu càng đỏ sậm, ăn càng ngọt lịm. Ba anh nói đó là mận hồng đào. Mỗi mùa mận chín, ông hái mận, sai anh đem biếu khắp xóm.

Ảnh: S.T.M

Ảnh: S.T.M

Dù vậy, ba anh rất ghét những đứa nào lén hái mận. Tối đến, rình vừa khi nhà anh tắt đèn, mấy đứa thiếu niên trong xóm đang độ tuổi thèm chua, thèm ngọt bám vào mái nhà, trèo lên cây. Thế là ông cũng rình. Đợi đủ thời giờ cho bọn nhỏ trèo, chọn nhánh ngồi yên chỗ, ông bất thình lình bật đèn sáng choang.

Đất Sài Gòn mà, đâu phải vườn tược mênh mông. Gốc mận nằm bên cửa nhà. Vừa bật đèn, vừa mở toang cửa. Thế là mấy ông con hết đường chạy... Ông điểm danh từng đứa từ trên cây “thong thả” tuột xuống, đến méc từng nhà, cho bị đòn quắn đít.

Anh kể thuở ban đầu yêu nhau. Ngày xưa… nhà anh có cây mận…. Em vuốt đuôi. Đúng rồi anh à. Như vậy là ăn cắp. Ăn cắp thì ai cũng ghét. Lần thứ hai anh kể. Ngày xưa nhà anh có cây mận…. Em, lúc đó mới cưới nhau, cũng kể. Ừ, ba em cũng vậy, ba ghét nhất là ăn cắp... Ngày xưa nhà em có cây bưởi. Ông cũng đợi bưởi chín, hái bưởi cho cả nhà ăn và “biểu” tụi em mang cho bà con chòm xóm.

Trong khi chờ đợi, bưởi cũng bị mất hoài. Ba em buồn bực lắm, bèn nghĩ cách chuyền bóng đèn ra sau nhà. Khuya ba thức rình, nghe động, cắm điện. Mảnh vườn sáng trưng, đứa hái bưởi chạy quá chừng. Được hai đêm, ba nói: “Thôi, dẹp dây điện đi, xá gì mấy trái bưởi, rủi có chuyện không hay”.

Một thời gian dài lo cơm áo gạo tiền, chỗ ăn chỗ ở, anh quên cây mận của người cha đã khuất. Lần thứ ba anh kể. Ngày xưa… nhà anh có cây mận... Lúc đó con đã đến thời thiếu nữ, đã có nhà, tức đã an cư, em đã nói dài hơn: “Em sẽ đi mua cây mận hồng đào về trồng, nha anh”. Nói là làm, ngày nghỉ anh chở em xuống vườn cây Lê Thụy Chí Giả, tìm mua cây mận.

Ngày xưa thơ bé, năm khi mười họa được đi TPHCM , em thường thấy một vườn cây giống nằm bên đường ngoại ô. Khi em lớn lên, có chồng, sinh con, vườn cây ấy vẫn còn, và đã thành thương hiệu. Dù nhiều vườn cây giống khác mở ra nơi thị xã, cùng một con đường nơi nhà ta cư ngụ.

Muốn có ngày chủ nhật lãng mạn, em đòi anh đưa ra ngoại ô mua cây giống. Người bán nói cây mận mười hai ngàn. Em trả giá mười ngàn đồng thôi. Đang đứng cạnh đám mận con tươi xanh mơn mởn, người đàn ông ấy nhìn em một tí rồi chui vào trong đám cây chi chi đó cạnh hàng rào, tìm ra cây mận duy nhất. Em hỏi: “Mận hồng đào hả chú?”, ông gật.

Cây mận mua về được trồng bên hông nhà, đợi chờ mòn mỏi, cây mới ra hoa, cho trái. Trái màu hồng lợt, xốp xốp, lạt lạt. Có dịp trở lại con đường chốn ngoại ô, em nói: “Anh ơi, do mình không chú ý thôi, vào nhằm vườn Lê Thụy Chí… giả rồi”.
 
Lê Thụy Chí thôi, Giả là do em đặt, em không nhìn thấy lỗi của mình. Mua cây giống còn so kè lên xuống. Chớ sao. Có phải mớ rau của người già lọ mọ tìm hái trong vườn, mớ cá của người đàn ông khắc khổ ngoài nhánh sông ô nhiễm?

Nào phải của người trồng, cơ cực bón phân tưới nước đợi ngày cây cho trái. Thương lái vào mua hai ngàn một ký, chở đi chở đến, lời gấp hai, ba lần người đêm đêm thao thức cùng nụ, cùng hoa. Sáng ra lòng đau xót dòm trái non rụng đầy gốc. Xem như hôm ấy và cả những hôm sau nuốt cơm nghe mắc nghẹn.
 
Nhìn mấy trái mận loe hoe trên cành, anh lại kể về cây mận của cha. Lần thứ tư anh kể. Ngày xưa… nhà anh có cây mận… Giờ em nói càng nhiều hơn, càu nhàu ông bán cây và quyết sẽ chặt bỏ cây mận hồng đào giả, mua cây mận khác.

Lần nầy người bán nói thiệt, chỉ có mận Ấn Độ thôi cô ơi! Vẫn bấm bụng mua và an ủi, thôi, màu đỏ là được rồi. Dù biết anh buồn trong bụng. Sao mận cũng là tên ngoại? Như hạt gạo, anh ghét cả gạo Thái lan, gạo Đài Loan. Anh thường dặn, gạo rẻ, khô, cứng cơm sao cũng được, nhớ mua gạo Việt Nam.
 
Lần thứ năm anh kể, khi nghe tin cây mận hồng đào sau nhà ta có trái chiến - bận này là hồng đào thiệt, do chị bạn cũ, chiết cành, dành tặng. Ngày xưa… nhà anh có cây mận… Em, giờ đã năm mươi, lười biếng nói: “Vô ăn cơm nè ông ơi! Tối thui rồi”.

Rồi nhìn bộ dạng của anh, em lại kiên nhẫn nghe anh kể chuyện… Cây mận của ba anh lạ lắm, càng chín, càng đỏ, càng ngọt... Tới mùa mận chín, ba sai anh đem biếu hàng xóm… Mấy đứa nhỏ lại tìm cách hái… ba anh lại rình… Em lại vuốt đuôi: “Ai cũng vậy, chẳng thà cho chớ không bằng lòng ăn cắp, hén anh!”.

BAO KIM THANH

Tin cùng chuyên mục