Cây xanh bị xâm hại

Nhiều cây xanh bị trám kín gốc
Cây xanh bị xâm hại

TPHCM có nhiều cổ thụ trên vỉa hè, hàng năm TP còn trồng mới, thay thế nhiều cây xanh để cải thiện môi trường sống và tạo cảnh quan đô thị. Thế nhưng, trong mùa mưa năm nay, liên tục xảy ra nhiều vụ gãy đổ cây xanh. Nhiều ý kiến cho rằng có nguyên nhân là do cây xanh bị xâm hại như các công trình ngầm đào xới vỉa hè đã cắt bộ rễ cây, hoặc hành vi cắt đường sinh trưởng của cây.

Cây cổ thụ trên đường Trần Phú (quận 5) bị cư dân tự ý tráng xi măng bít gốc.

Cây cổ thụ trên đường Trần Phú (quận 5) bị cư dân tự ý tráng xi măng bít gốc.

Nhiều cây xanh bị trám kín gốc

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông Nguyễn Hữu Trí (ngụ tại đường Lê Hồng Phong, TPHCM) phản ánh: “Theo tôi được biết, các cây xanh trên đường phố đều phải có bồn đất quanh gốc để đảm bảo sự phát triển của cây, có quy định nghiêm cấm mọi hành vi đổ bê tông, xà bần vào gốc cây. Vậy nhưng dọc theo nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 5, hầu hết gốc các cổ thụ đều bị tráng xi măng bít kín, mà không thấy đơn vị quản lý cây xanh nhắc nhở, xử lý khắc phục”.

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, PV Báo SGGP đã khảo sát nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 5, nhận thấy rất nhiều bồn đất bao gốc cổ thụ đã bị tráng xi măng bít kín gốc, tập trung nhiều nhất là dọc các tuyến đường Trần Phú, Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong, An Dương Vương, Huỳnh Mẫn Đạt…

Riêng đường Trần Phú, chỉ một đoạn ngắn từ ngã tư giao với Huỳnh Mẫn Đạt đến bùng binh ngã sáu Cộng Hòa, có tới hơn 30 cổ thụ bị tráng xi măng bít gốc cây. Nhiều cây xanh đang trong độ tuổi phát triển trên vỉa hè đường Huỳnh Mẫn Đạt cũng bị đổ xi măng bít gốc.

Chúng tôi nêu thắc mắc với chị Nguyễn Ngọc Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh khung tranh trên đường Trần Phú, về việc sao lại tráng xi măng bít gốc cây, chị thản nhiên cho biết: “Vỉa hè thường xuyên bong tróc nên chúng tôi tự tráng xi măng vỉa hè trước cửa nhà mình, tiện thể tráng luôn gốc cây cho đỡ dơ, tôi thấy ai cũng làm vậy mà”. Ông chủ một tiệm sửa xe trên đường An Dương Vương một mực khẳng định rằng tráng xi măng bít gốc cây cũng chẳng ảnh hưởng gì, vì đây là loại cây rễ cọc, ăn sâu xuống lòng đất.

Quan sát thêm hiện trạng cây xanh dọc một số tuyến đường khác như Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 1, 3), Điện Biên Phủ (quận 3), Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, 3 Tháng 2 (quận 10, quận 11)…, chúng tôi cũng thấy hiện tượng xâm hại cây xanh trồng trên vỉa hè. Trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 1), mặc dù nhiều cổ thụ vẫn được bao bồn đất, trên bề mặt bồn lót tấm đan có lỗ thông thoáng, nhưng nhìn kỹ thì các lỗ này cũng bị cư dân tráng xi măng bít kín.

Cần bảo vệ cổ thụ

Đem thắc mắc của người dân trao đổi với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, chúng tôi được giải đáp: Đối với các loại cây xanh nói chung, việc tráng xi măng bít kín gốc sẽ làm giảm khả năng hấp thụ nước và không khí, làm chậm quá trình sinh trưởng của cây, ảnh hưởng đến bộ rễ cây, vì vậy việc bao gốc bằng bồn đất là điều cần thiết trong quy trình chăm sóc cây xanh.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP, thông thường công ty chăm sóc cây theo quy trình kỹ thuật mà các khu quản lý giao thông đô thị đặt hàng. Từ trước tới nay, hầu hết các hạng mục chăm sóc cây xanh đô thị chủ yếu là phục vụ cây mới trồng và cây đang phát triển, vì vậy chưa có những tiêu chuẩn cụ thể cho cổ thụ. Hiện nay, các cây xanh mới trồng đều được bó vỉa âm và lót tấm đan để thông thoáng vỉa hè.

Vì muốn cho sạch nơi gốc cây trước nhà mình, nên nhiều cư dân tự ý tráng xi măng bít gốc. Khi kiểm tra, phát hiện tình trạng này, công ty đã báo cáo lại với Khu Quản lý giao thông đô thị, vì đây là hành vi vi phạm quy định về quản lý công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn TP, để có hướng xử lý.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, hiện nay theo quy trình kỹ thuật chăm sóc cây xanh, chưa có công việc kiểm tra đục bỏ lớp xi măng bít gốc cây. Nhằm đảm bảo các cổ thụ sinh trưởng phát triển bình thường, công ty sẽ chủ động thực hiện đục bỏ lớp xi măng bít gốc, đồng thời đề xuất các khu quản lý giao thông đô thị bổ sung công tác này vào dự toán đặt hàng hàng tháng. Về lâu dài, công ty sẽ đề xuất bổ sung quy trình kỹ thuật để công tác duy tu cây xanh được tốt hơn.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục