Tính từ đầu mùa mưa đến nay, TPHCM có 128 trường hợp cây xanh bật gốc, tét nhánh, đáng nói là các sự cố tập trung vào cây xanh loại 3 (đường kính 0,5m trở lên, cao trên 12m). Ở một số tuyến đường, cây xanh mới trồng còn bị chết hàng loạt. Dư luận đặt câu hỏi: Bên cạnh nguyên nhân thời tiết, dịch bệnh, đâu là nguyên nhân chính khiến cây xanh liên tục bị chết, ngã đổ trong thời gian gần đây?
Chết hàng loạt
Để tạo mỹ quan và bóng mát trên đường Lý Thường Kiệt (phường 7, quận Tân Bình), đầu năm 2009, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Cây xanh TP (gọi tắt là Công ty Công viên cây xanh) triển khai trồng cây muồng bông vàng. Kết quả thực tế không như mong đợi: đến nay hàng loạt cây xanh trên tuyến đường này dần bị khô lá rồi chết.
Ghi nhận của PV Báo SGGP, sáng 8-8, trên đoạn đường gần 200m (từ nhà số 1A đến giao lộ Lý Thường Kiệt – Cách Mạng Tháng 8), 37 cây muồng bông vàng đã được trồng hiện chỉ còn duy nhất 1 cây trong tình trạng “sống dở chết dở”. Cũng trên đường này, trước nhà số 531 (phường 8, quận Tân Bình), một cây phượng đường kính khoảng 20cm, mới trồng không lâu cũng đang có nguy cơ bị chết, các nhánh khô trên cây thường xuyên rơi xuống đường, đe dọa an toàn người tham gia giao thông.
Khó hiểu hơn, các cây muồng bông vàng trên đường Lý Thường Kiệt bị chết và được nhân viên Công ty Công viên cây xanh trồng đi trồng lại nhiều lần nhưng cây vẫn không sống nổi(?).
Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, do vỉa hè đường Lý Thường Kiệt có đoạn quá hẹp, lại có độ chênh quá cao so với mặt đường, trong khi cây muồng bông vàng thuộc loại cây tiểu mộc, đường kính thân cây nhỏ, chiều cao thấp nên khi mới trồng sẽ khó thích nghi và phát triển. Người dân sống ở khu vực có cây xanh chết hàng loạt cho biết, dù là cây mới trồng nhưng hiếm khi thấy lực lượng công nhân Công ty Công viên cây xanh đến tưới nước, chăm bón chu đáo.
Do dịch bệnh?
Một lãnh đạo Phòng Quản lý công viên cây xanh – Sở GTVT TP cho biết, việc thực hiện kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh ở TP từ trước đến nay được sở ký hợp đồng với Công ty Công viên cây xanh. Đơn vị này sẽ trực tiếp thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và xử lý sự cố về cây xanh dưới sự theo dõi và kiểm tra của các khu quản lý giao thông đô thị.
Do đó, nguyên nhân dẫn đến cây xanh chết hàng loạt như nói trên khó có thể là do sai kỹ thuật trồng, lỗi chăm sóc.
Theo bà Tô Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh (Khu Quản lý giao thông đô thị số 1), nguyên nhân khiến hàng loạt cây muồng bông vàng trên đường Lý Thường Kiệt bị chết là do bị rệp sáp tấn công. Không riêng đường Lý Thường Kiệt, nhiều cây muồng bông vàng trên một số tuyến đường khác ở TP cũng bị dịch rệp sáp gây hại dẫn đến chết. Tuy nhiên, việc phun thuốc trừ rệp cũng rất khó khăn, phải xịt vào ban đêm, liều lượng đúng mức để tránh ô nhiễm môi trường.
“Do đặc điểm cây muồng bông vàng có hoa đẹp, chiều cao trung bình thấp (khoảng 5-6m) phù hợp với vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (đoạn hẹp 1,2 – 1,5m) nên thời gian qua chúng tôi cố gắng duy trì việc trồng loại cây này. Tuy nhiên, trước sự gây hại của rệp sáp, chúng tôi đã có phương án đưa cây mạc nưa vào trồng thay cây muồng bông vàng, dự kiến sẽ trồng vào khoảng đầu tháng 10-2011, do thời điểm này có mưa nhiều”, bà Hoàn nói.
Bà Hoàn cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến cây xanh chết không chỉ do dịch bệnh mà còn do con người xâm hại. Trong những tháng đầu năm 2011, nhiều cây xanh mới trồng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) cũng bị chết, nguyên nhân được xác định là do người dân đổ nước sôi vào thân cây. Việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn, bởi lực lượng thanh tra không thể nào theo dõi 24/24 giờ tại khu vực có cây xanh mới trồng.
Mới đây, một hộ dân trên đường Võ Văn Tần (quận 3) đã xâm hại cây xanh kiểu trên đã bị lực lượng chức năng bắt và xử lý nghiêm.
TUẤN VŨ