Chậm chân là thua thiệt!

Ngày 25-5, phát biểu tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ quan ngại về lưu thông nguồn nhân lực - một trong ba thách thức khi chuẩn bị gia nhập ngôi nhà chung ASEAN.

Theo đó, Phó Chủ tịch nước cảnh báo rằng: Nếu chúng ta không đào tạo nguồn nhân lực tốt thì sinh viên của Thái Lan, Philippines… sẽ vào Việt Nam. Và thực tế đã có nhiều khu du lịch trong nước tuyển người Philippines vì “trình độ tiếng Anh của họ giỏi hơn, phong cách tốt hơn, giá thuê rẻ hơn, đào tạo bài bản hơn”. Có lẽ nỗi lo của vị lãnh đạo này đã nói lên điều cấp thiết phải chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - hội đủ trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng mềm, khả năng tiếng Anh tốt để tham gia ngôi nhà chung ASEAN. Nếu chậm thay đổi trong đào tạo nhân lực đạt chuẩn hội nhập thì chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội và nhân lực trẻ của các nước trong khu vực có ưu thế về tiếng Anh, đào tạo bài bản sẽ chiếm lĩnh những vị trí việc làm tốt nhất.

Thực tế cỗ máy đào tạo từ bậc phổ thông đến cao đẳng, đại học dù phát tín hiệu đổi mới nhưng vẫn ì ạch, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động thế kỷ 21. Chỉ riêng câu chuyện chuẩn bị hành trang ngoại ngữ - tiếng Anh cho học sinh, sinh viên cũng thấy rối bời như tơ vò, thiếu bài bản. Theo mục tiêu của đề án ngoại ngữ quốc gia “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, thanh thiếu niên Việt Nam (VN) sẽ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Đề án này đã khởi động được 5 năm, thí điểm ở nhiều trường tiểu học, nhưng phản hồi không mấy tích cực vì thiếu giáo viên chuẩn, thiếu cơ sở vật chất, sĩ số lớp học quá đông.

Riêng giáo trình dạy tiếng Anh ở lớp 3, 4, 5 thì soạn thảo theo tư duy lắp ghép… ngôn ngữ kiểu VN nên “Tây chẳng ra Tây”. Chỉ còn 5 năm nữa là kết thúc đề án nhưng thử hỏi tỷ lệ học sinh, sinh viên tự tin nghe, nói bằng tiếng Anh chiếm bao nhiêu? Trừ các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, học sinh có điều kiện học tiếng Anh thuận lợi hơn, được đầu tư nhiều hơn nên mặt bằng tiếng Anh khá hơn. Còn lại dạy và học tiếng Anh theo kiểu VN không mang lại hiệu quả, thậm chí gây lãng phí lớn.

Những nguyên nhân dẫn đến thực tế dạy và học tiếng Anh không hiệu quả đã được các chuyên gia mổ xẻ rất nhiều. Một khi không có đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh giỏi đủ chuẩn trình độ quốc tế thì đừng mong học sinh sẽ biết nói tiếng Anh chuẩn. Hơn nữa, nếu không tạo cuộc “cách mạng” thực sự về dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế như kinh nghiệm của Singapore, Philippines… thì đừng mong thanh thiếu niên VN sẽ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Một số hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học than thở rằng họ muốn mở rộng chương trình hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với đối tác nước ngoài, nhưng nguồn sinh viên mới tuyển vào không đáp ứng chuẩn tối thiểu về trình độ tiếng Anh. Như thế, mục tiêu nâng cao trình độ, năng lực tiếng Anh chuẩn mực cho học sinh vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên VN có khả năng tiếng Anh tốt, lấy được các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… của các tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới, nhưng đa phần trong số này chọn con đường đi du học. Vì vậy, nếu không có chính sách thu hút, tận dụng nhân tài từ nguồn này, có thể chúng ta sẽ thất thoát không nhỏ vốn tự có của chính mình.

Cuối năm 2015, VN chính thức tham gia ngôi nhà chung ASEAN, “nước đã gần sát chân”, nếu ta không có hành trang kiến thức, kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, cạnh tranh cao thì khó tận dụng được vận hội mới đang mở ra. Vì vậy, chậm chân là thua thiệt!

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục