Chăm chút đón bé chào đời

Ngồi trong phòng đợi của Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), người thân của các sản phụ lộ hẳn vẻ lo lắng, nôn nao hướng mắt về cánh cửa phòng phẫu thuật. Bỗng điện thoại của một anh rung lên dồn dập, báo dòng tin nhắn: “Bệnh viện Từ Dũ thông báo đến quý gia đình bệnh nhân, đã mổ lấy thai, một bé gái nặng 3.600g”.
Nay sự kiện đón bé chào đời ở Bệnh viên Từ Dũ đã khác xưa rất nhiều; không chỉ được báo ngay bằng tin nhắn, người nhà và sản phụ còn được hưởng nhiều dịch vụ chu đáo ngoài mong đợi.
Khởi đầu yêu thương
Phòng đợi khu N của Khoa Hậu sản Bệnh viện Từ Dũ không rộng lắm. Chỉ có 2 dãy ghế, mọi người ngồi sát nhau. Hình như khi đồng cảnh ngộ, ai cũng dễ chia sẻ, bộc bạch nỗi niềm. Khệ nệ đặt giỏ đồ xuống đất, anh Thiện (34 tuổi, nhà ở tỉnh Bình Thuận) tâm sự: “Vợ em mổ lần này là lần thứ hai. Tuy vậy, hồi hộp quá!”.
Thấy người đàn ông ngồi cạnh đưa vợ đi sinh mà không mang theo giỏ đồ nào, anh Thiện ngạc nhiên hỏi: “Anh chưa kịp chuẩn bị gì cả sao?”. Nghe vậy, mọi người cười, vui vẻ cho hay: “Đồ đạc bệnh viện lo hết rồi, mình mang chi cho bận bịu”. Hồi lâu lại có tín hiệu chuông báo tin nhắn. Lần này, đến lượt anh Tuấn reo vui: “Vợ tôi vừa được mổ xong rồi. Em bé nặng 3,6kg”.
Chăm chút đón bé chào đời ảnh 1 Phương pháp “da kề da” được các điều dưỡng hướng dẫn sản phụ thực hiện để giúp trẻ so sinh hưởng được tình thương yêu của mẹ
Chừng 30 phút sau khi nhận tin nhắn, những người thân của sản phụ được bác sĩ mời vào chăm sóc sản phụ và bé. Để bảo đảm vệ sinh môi trường trong phòng bệnh, họ được yêu cầu phải mặc thêm áo khoác và thay dép trước khi đi vào dãy hành lang dài, sạch sẽ, yên tĩnh.
Vừa thấy anh Tuấn bước vào, vợ anh vẫy tay chào. Anh xúc động nắm chặt bàn tay vợ và xoay qua ngắm con trẻ mới lọt lòng. Con anh trong chiếc áo màu trắng, đội nón màu hồng, đang nghiêng đầu nằm gọn trên ngực mẹ.
Cô điều dưỡng cầm xấp hồ sơ bước tới giường, nhẹ nhàng kéo áo bé lên và nói: “Cháu gái chào đời lúc 7 giờ 45; cân nặng 3,6kg. Anh kiểm tra chân tay cháu bình thường, có hậu môn. Vòng đeo chân của cháu có dãy số khớp với vòng đeo tay của mẹ. Ngay lúc bé chào đời, các bác sĩ cũng ghi tên mẹ và dãy số này trên đùi của cháu. Chúng tôi để cháu nằm trên ngực mẹ.
Đây là phương pháp “da kề da” để cháu hưởng được hơi ấm yêu thương từ mẹ. Bây giờ tôi hướng dẫn chị cách cho cháu bú. Chị đẩy nhẹ đầu để cháu không bị ngộp. Những giọt sữa đầu đời của mẹ là liều thuốc kháng sinh cực tốt cho cả cuộc đời của bé”.
Các sản phụ cho biết, ngay khi vừa chào đời, em bé được bệnh viện cấp khăn choàng, quần áo, nón, tả. Sản phụ cũng được cấp áo quần và các vật dụng cần thiết. 
Hướng dẫn tận tình
Ngay khi vừa có phòng, các điều dưỡng đã yêu cầu anh Thiện về Trung tâm Chăm sóc khách hàng để làm hợp đồng. Hơn 10 phút sau, anh Thiện buồn thiu quay về.
Anh Thiện cho biết: “Vợ chồng mình muốn đặt một phòng bệnh riêng. Nhưng dù đã gọi điện lẫn nhờ những người quen biết nhờ đặt phòng, họ đều lắc đầu cho biết để công bằng nên không thể đặt phòng trước. Vợ mình sinh ở khu N thì mình ưu tiên nhận phòng ở đây khi có phòng. Có phòng nào thì nhận phòng đó và không có sự lựa chọn”. 
Thật ra anh Thiện lo hơi thừa, vì các phòng hậu sản ở khu N đều khá sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Các bé có nôi nằm riêng và việc thay tấm trải giường, quần áo theo nhu cầu của sản phụ. Nước nóng, bình thủy, tủ đựng thức ăn, quần áo… riêng biệt cho từng sản phụ.
Hầu như mọi nhu cầu của sản phụ và gia đình đều được các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ ngay. Anh Tuấn kể, trước khi vợ đến ngày sinh, qua tìm hiểu bạn bè và thông tin trên mạng, anh đã đề nghị bệnh viện lấy máu gót chân con anh để sàng lọc sơ sinh, giúp phát hiện các chứng bệnh bẩm sinh nguy hiểm. Nghe đâu chi phí vài triệu đồng.
Nhưng vừa nghe yêu cầu của anh Tuấn, cô Ngọc Hạnh, cán bộ điều dưỡng khoa N, ân cần giải thích: “Không cần đâu anh! Đây là xét nghiệm thường quy và Bệnh viện Từ Dũ đã áp dụng từ lâu rồi. Mình không yêu cầu thì bệnh viện cũng thực hiện để giúp cho cha mẹ của bé sớm phát hiện các bệnh và có hướng điều trị cho bé”.
Trong thời gian ở phòng hậu sản, các sản phụ được các bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn rất tận tình. Theo “thông lệ”, các sản phụ chuẩn bị một số tiền để “bồi dưỡng” cho các cô điều dưỡng khi tắm cho trẻ, vệ sinh cho mẹ hay đẩy xe đưa sản phụ tới lui các khoa xét nghiệm. Nhưng, các điều dưỡng đều từ chối nhẹ nhàng, không nhận tiền bồi dưỡng.
Các sản phụ và thân nhân đều thấy vui và hạnh phúc, không phải chỉ vui vì mẹ tròn con vuông, mà còn vui vì luôn nhận được thái độ phục vụ niềm nở. Sản phụ Bích Nga kể: “Thật ấm áp khi muốn thông báo gì, các cô điều dưỡng đều bắt đầu bằng chữ “mời” rất trân trọng.
Tôi đã được gặp các chuyên gia để nghe hướng dẫn cách chăm sóc con nhỏ và xoa bóp khắc phục sửa chữa các chi tiết khiếm khuyết trên khuôn mặt và bàn chân của trẻ sơ sinh. Thời nay, chuyện vượt cạn quá khác xưa! Mong sao ngày càng có nhiều bệnh viện chăm sóc bệnh nhân ân cần, chu đáo và bài bản như thế này!”

Tin cùng chuyên mục