Chạm đến hạnh phúc

Chỉ số hạnh phúc tại Việt Nam trong những năm gần đây tăng vượt bậc theo báo cáo của Liên hiệp quốc và một số tổ chức quốc tế. Gia đình hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc, xã hội hạnh phúc…, là mục tiêu phát triển của quốc gia và là của từng cá nhân, trong đó người trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, vừa là nhân tố kiến tạo hạnh phúc, vừa là đối tượng cần được thụ hưởng, quan tâm đến chất lượng đời sống tinh thần. 

Sẽ ra sao nếu con thốt ra lời so sánh: “Nhìn bố mẹ nhà người ta xem”? Chắc chắn đó là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là “con nhà người ta” vẫn là nỗi ám ảnh, câu nói cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh. Dẫu mục đích đằng sau là tốt, nhưng việc so sánh này sẽ giết chết sự khác biệt, tính độc đáo của mỗi cá nhân.

Theo lý thuyết đa trí tuệ của tiến sĩ tâm lý học Howard Gardner, có 8 loại hình trí thông minh: Logic-toán học, âm nhạc, ngôn ngữ, vận động, thiên nhiên, nội cá nhân, liên cá nhân, không gian. Mỗi người đều sở hữu tất cả các loại hình này, tuy nhiên mức độ của từng loại trí thông minh là khác nhau.

Hiện nay, hệ thống giáo dục vẫn quá chú trọng vào kết quả những môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, bỏ quên những dạng thông minh vận động hay âm nhạc. Nếu đo trí thông minh bằng toán học, chúng ta đã không có cầu thủ Công Phượng, vận động viên Ánh Viên. Chúng ta sử dụng cùng một hệ quy chiếu với từng nhóm người khác nhau, vô hình trung đặt lên người trẻ một chuẩn mực vốn không dành cho họ. 

Điều này không dừng lại ở việc đánh giá môn học, điểm số mà còn là ước mơ, chọn ngành, chọn nghề. Ngưỡng cửa 18 tuổi, các em chuẩn bị trở thành những công dân với tất cả quyền và nghĩa vụ hợp pháp nhưng vẫn gánh trên vai ước mơ của gia đình, bố mẹ.

Việc các em chọn trường gì, học ngành nào… cũng liên quan đến chuyện “nở mày nở mặt” của gia đình hoặc thực hiện những đam mê của bố mẹ còn dang dở. Hàng năm, những sự vụ rất đau lòng khi người trẻ 17, 18, 19 tuổi tìm đến cái chết chỉ vì không đậu vào trường bố mẹ muốn hoặc không thể chịu nổi áp lực học tập, gia đình. Có những người sống tiếp, nhưng thật ra họ đã chết ở lứa tuổi 25!

Người trẻ, với khát khao cống hiến, chứng minh giá trị của mình sẽ phát huy toàn bộ tiềm năng nếu được đặt đúng vị trí phù hợp với đam mê và sở thích. Các em cần dành thời gian suy nghĩ về những giá trị mà mình theo đuổi, lắng nghe sự góp ý, động viên của những người đi trước và tự quyết định con đường cho mình.

Có những em học sinh chia sẻ: “Con học từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nhưng không ai chỉ cho con biết năng lực và đam mê của con là gì?”. Suy cho cùng, việc học là một quá trình giúp các em tự khám phá bản thân, người lớn đừng quá câu nệ giá trị điểm số, hãy làm cho các em hiểu: Mình là ai? Vì sao mình sinh ra trên cõi đời này?

Với sự cải tiến, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, hy vọng sẽ tạo ra một luồng gió mới trong giáo dục. Thầy cô được cởi bỏ lớp áo thành tích, thực sự trở thành những người truyền lửa, soi sáng cho các em trên con đường tìm kiếm giá trị của bản thân.

Với sự phát triển của xã hội, rất cần sự quan tâm, chăm sóc về đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt là người trẻ. Các phòng tư vấn học đường cần tiếp tục nhân rộng, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp, tâm lý… nhằm kết nối các chuyên gia đến từng học sinh, sinh viên, sẵn sàng có mặt, giải đáp các khó khăn mà các em gặp phải. Một khi các em cảm thấy hạnh phúc, các em sẽ đóng góp sức lực, tuổi trẻ, lan tỏa những giá trị đó đến mọi người và kiến tạo một xã hội hạnh phúc.

Có hai ngày quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, ngày thứ nhất là ngày mình sinh ra, ngày thứ hai là ngày bản thân biết vì sao mình được sinh ra. Khi thật sự hiểu được ngày thứ hai, người trẻ đã đích thực chạm đến sự hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục