Nhiều tuyến đường, tuyến kênh trên địa bàn TPHCM quanh năm mưa bùn, nắng bụi, những ngôi nhà ven kênh cheo leo sắp sụp… đều cùng một nguyên nhân: vướng giải tỏa mặt bằng! Công tác giải phóng mặt bằng chậm, không chỉ làm người dân khổ, luôn bị tai nạn giao thông rình rập, còn khiến cho kinh phí xây dựng bị “đội” lên gấp nhiều lần, trì hoãn sự phát triển chung của cả xã hội. Khảo sát một vòng thành phố, nhiều công trình “thâm niên cao” hiện vẫn nằm ì ra đó…
Tỉnh lộ 10 đoạn từ huyện Bình Chánh tiếp nối tỉnh Long An là cung đường “tử thần” với nhiều ổ gà, tai nạn xảy ra khiến giới tài xế và người dân sống trong khu vực xung quanh e ngại. Đã nhiều năm qua, dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này vẫn ì ạch, đến nay công tác giải tỏa chưa xong, chỉ vì một số hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng. Tuyến đường liên tỉnh này có lưu lượng xe lớn thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Các hố ga xuống cấp, hư hỏng nặng thành trở mối hiểm họa cho trẻ em và người đi đường.
Tương tự, vì vướng giải phóng mặt bằng nên dự án cầu Kênh Lộ (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đến nay vẫn chưa xong, người dân phải chen chúc đi đò, không có áo phao, nguy cơ cao về vấn đề tai nạn đường thủy.
Không chỉ bất tiện trong đi làm, điều mà người dân lo lắng là nếu có người bệnh vào ban đêm sẽ không có phà để đưa ra huyện cấp cứu kịp thời.
Đáng nói hơn, không ít lần nhiều tuyến kênh ở khu vực Thanh Đa bị sạt lở cuốn đi nhiều nhà cửa, tài sản, đe dọa tính mạng của người dân. Tuy nhiên, dù mùa mưa đã đến nhưng công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.4) từ hạ lưu cầu Kinh đến bờ kè công đoàn mới chỉ thực hiện được 44%, hiện vẫn còn gần 30 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Đương nhiên, những người dân chây lỳ trong việc hợp tác giải phóng mặt bằng là đáng trách. Thế nhưng, chỉ vì một vài hộ chậm bàn giao mặt bằng mà làm ảnh hưởng đến tiến độ toàn bộ công trình thì rõ ràng cần xem xét lại trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi, nếu chính quyền quyết tâm, thực thi nghiêm việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình công cộng thì có thể thu hồi mặt bằng trước, người dân không chấp thuận có quyền khiếu nại sau.
THANH HẢI