Chăm lo an sinh xã hội

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2- 2011, trong đó nêu ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những giải pháp đúng đắn, kịp thời. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần cụ thể hóa hơn nữa các giải pháp và chỉ đạo điều hành thật đồng bộ để các giải pháp đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực lạm phát nặng nề hiện nay, hơn bao giờ hết việc chăm lo cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cần được chú trọng, quan tâm giải quyết một cách thấu đáo. An sinh xã hội, nói một cách rộng hơn là chất lượng cuộc sống của người dân, đang bị tác động gì trong bối cảnh hiện nay? Nhìn vào thực tế có thể thấy các vấn đề như ăn, ở, đi lại, ốm đau của người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả tăng.

Vì thế bảo đảm an sinh xã hội, trước hết là phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu, không để cuộc sống của người dân đi xuống. Khi bắt buộc phải thực hiện việc tăng giá điện để thị trường hóa việc sản xuất năng lượng, Chính phủ đã hỗ trợ mỗi hộ nghèo 30.000 đồng/tháng, là rất cần thiết.

Ngoài ra những vấn đề cấp bách khác như bảo đảm nhu cầu đi lại, khám chữa bệnh, học hành… cho người dân ra sao để đỡ tốn kém nhất, đỡ phiền hà nhất trong bối cảnh vật giá leo thang là việc cần tiếp tục xem xét, giải quyết. Rồi việc chăm lo cho cuộc sống của người dân vùng thiếu đói giáp hạt ra sao, hỗ trợ người dân vùng bị lũ lụt thế nào là điều người dân vùng bị thiên tai đang trông chờ.
 
Thông thường khi nghĩ đến an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, chúng ta thường nghĩ đến việc Nhà nước bỏ một khoản tiền ra để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Điều đó cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc Nhà nước đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể để các ngành, các địa phương, các hội đoàn, các tổ chức xã hội triển khai, hướng đến mục tiêu cả xã hội chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hàng loạt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội đã được Chính phủ đặt ra, đều cần thiết cả, nhưng cách làm phải có trọng điểm, không để tràn lan, gây lãng phí. Các dịch vụ công, Nhà nước nên chuyển giao cho các tổ chức xã hội làm, sẽ sát dân hơn, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
 
Mặt khác để gián tiếp hỗ trợ người dân, Chính phủ cần quyết liệt trong việc phân bổ nguồn vốn phát triển kinh tế một cách hiệu quả để tăng việc làm cho xã hội, mạnh tay cắt giảm những khoản đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Để hạn chế việc thải hồi lao động phải chú trọng giải quyết vốn phát triển sản xuất khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp làng nghề.

Khi sản xuất ở khu vực này được bảo đảm, người dân sẽ ít bị tổn thương hơn. Hơn lúc nào hết, người lao động ở khu vực nông thôn rất cần sự trợ giúp của Nhà nước để bảo đảm cuộc sống của chính họ, vì có những việc vượt quá năng lực của người dân cũng như địa phương!
 
Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, các ngành, các giới và các doanh nghiệp phải chung tay đồng thuận, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua thời điểm khó khăn bằng cách triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp đã đề ra. Ngược lại, người dân cũng phải vào cuộc, có ý thức tự giác, phanh phui thủ đoạn làm giá, đục nước béo cò, té nước theo mưa để trục lợi... của những đối tượng xấu trong xã hội.

VŨ QUỐC TUẤN  (Chuyên gia kinh tế) 
 

Tin cùng chuyên mục