Chăm lo sức khỏe trẻ mồ côi do Covid-19

Gần 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mồ côi cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng qua đời do dịch bệnh tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, đã được khám sức khỏe miễn phí. Hoạt động do Thành đoàn TPHCM phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM thực hiện, với sự tham gia của 44 thầy thuốc và 100 tình nguyện viên. 
Trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thăm khám sức khỏe
Trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thăm khám sức khỏe

Hỗ trợ trẻ mất người thân

“Cái răng của con bị đau mấy hôm nay rồi đó bác sĩ”, em N.T.M.C. (ngụ quận 8) nói với bác sĩ trước khi được thăm khám. Sau khi kiểm tra tổng quát, bác sĩ thông báo C. có 2 răng sâu. Vậy là C. sẽ nhổ chiếc răng đầu đời mà không còn ba mẹ bên cạnh động viên.

“Tôi thương con bé lắm. Ba C. mất vì tai nạn giao thông lúc nó mới hơn 3 tháng tuổi. Rồi 5 tháng trước, mẹ cháu cũng ra đi vì dịch Covid-19. Mới 6 tuổi đầu, con bé đã chịu cảnh côi cút thế này!”, bà Trần Thị Hai, bà ngoại C., đưa tay lau vội nước mắt và luôn nắm chặt bàn tay nhỏ bé của cháu ngoại suốt buổi khám bệnh. 

Gần đó, tại bàn khám tổng quát, tiếng một cậu bé rụt rè chia sẻ: “Con cũng muốn học tốt, nhưng trong đầu cứ nghĩ tới mẹ nên học không vô”. Thấy T.Q.M. (ngụ quận 4) quay mặt qua hướng khác với ánh mắt đượm buồn, nữ bác sĩ trẻ Châu Tố Uyên (Bệnh viện Nhi đồng 1) nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay M. an ủi. Sau khi thăm khám và lắng nghe những tâm tư của em, bác sĩ Uyên động viên, tư vấn để M. thêm mạnh mẽ bước tiếp con đường phía trước khi mẹ đã đi xa. 

Qua 2 ngày khám sàng lọc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong khuôn khổ chương trình “Yêu thương - Nâng bước”, gần 2.000 trẻ đã được thăm khám và tư vấn tâm lý. Bác sĩ Châu Tố Uyên cho biết, nhiều trẻ gặp vấn đề về tâm lý bởi đột ngột mất đi người thân.

“Như trường hợp em N.T.B. (8 tuổi) đến khám cùng mẹ nhưng nói chuyện rất ít. Khi được hỏi ở nhà thường chơi với ai nhất, B. nói: “Với ba”. Đưa mắt nhìn đôi mắt đỏ hoe của mẹ, B. nói không muốn nhắc đến ba vì sẽ làm mẹ khóc. Hay có ông bố đưa 4 con đến khám, anh nói mẹ chúng mất rồi, giờ mình anh chăm sóc 4 đứa trẻ nên rất khó khăn. Gặp các hoàn cảnh ấy, tôi ghi lại để báo với các anh chị bên Thành đoàn TPHCM nhằm có hướng hỗ trợ kịp thời”, bác sĩ Uyên chia sẻ. 

Đồng hành lâu dài

 Dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều trẻ em mất cha hay mẹ, hoặc cả hai. Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này đang phải trải qua nhiều trở ngại trong cuộc sống, từ sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cho đến các vấn đề về dinh dưỡng và giáo dục. Từ tháng 11-2021, Thành đoàn TPHCM phối hợp các đơn vị triển khai chương trình “Yêu thương - Nâng bước” để tiếp cận, bảo vệ, khuyến khích và cung cấp kế hoạch chăm sóc dài hạn cho trẻ mồ côi thông qua việc khảo sát, đánh giá từng trường hợp. Từ đó, chương trình đưa ra hướng khắc phục các khó khăn ngắn hạn, trung hạn và phát triển kế hoạch hỗ trợ dài hạn cho trẻ. 

Theo Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trần Thu Hà, quãng thời gian triển khai chương trình “Yêu thương - Nâng bước” tuy chưa dài, nhưng việc đến nay đã khảo sát tại nhà gần 2.000 trẻ cho thấy sự nỗ lực rất lớn, rất khẩn trương của các đơn vị. Từ kết quả khảo sát ở giai đoạn 1 và những thông tin ghi nhận được thông qua hoạt động khám sàng lọc, chương trình sẽ có thông số tổng quan để từ đó tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời có các đề xuất với lãnh đạo thành phố, ngành chức năng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Chặng đường của chương trình còn rất dài và chắc hẳn sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì của các đơn vị thực hiện, sự chung tay, hợp tác từ cộng đồng để hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo môi trường, điều kiện phát triển cho trẻ em”, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trần Thu Hà cho hay.

Chương trình “Yêu thương - Nâng bước” được triển khai theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Tình nguyện viên (là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM, cán bộ Đoàn - Đội tại địa phương) sẽ tiếp cận từng trường hợp trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (hoặc người giám hộ trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ hay các tình huống khác) để xác định nhu cầu cá nhân, từ đó đưa ra kế hoạch cung cấp các hỗ trợ cần thiết, đo lường, đánh giá và báo cáo kết quả.

- Giai đoạn 2: Các kết quả khảo sát sẽ được chuyển cho các chuyên gia y tế cộng đồng và nhân viên xã hội để phân tích, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng trẻ. Chương trình cũng sẽ làm việc cùng các bác sĩ và y tá chuyên khoa để tham gia chẩn đoán và/hoặc điều trị cho các trường hợp cần can thiệp y tế.

Đến nay, chương trình “Yêu thương - Nâng bước” đã hoàn thành 1.924 khảo sát cá nhân. Kết quả cho thấy: 66% trẻ mồ côi có độ tuổi từ 12 tuổi trở xuống; 78% trẻ gặp các rối loạn lo âu (trong đó 6% có biểu hiện nặng); 75% trẻ hiện mắc tật cận thị; 45% trẻ thuộc nhóm suy dinh dưỡng, cần cung cấp, bổ sung thực phẩm ngay lập tức. 

Tin cùng chuyên mục