Chăm lo tết giáo viên, người lao động ngành giáo dục

Những ngày qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu triển khai kế hoạch chăm lo Tết Mậu Tuất cho cán bộ, giáo viên, người lao động đang công tác trong ngành giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn (bìa trái) trao nhà tình nghĩa cho giáo viên hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cần Giờ
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn (bìa trái) trao nhà tình nghĩa cho giáo viên hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cần Giờ
Theo phản ánh từ địa phương, ngành giáo dục hiện không đủ nguồn quỹ để thưởng tết, trong khi công tác vận động hỗ trợ từ xã hội cũng chưa được như mong đợi.

Ưu tiên các trường hợp khó khăn


Chia sẻ về công tác chăm lo Tết Nguyên đán cho cán bộ, giáo viên, người lao động ngành giáo dục trên địa bàn quận Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết: “Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tổng hợp danh sách những trường hợp hoàn cảnh khó khăn gửi về Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận để có những chăm lo cụ thể. So với năm trước, số lượng người lao động cần được chăm lo năm nay không có sự đột biến, tuy nhiên, số giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo tăng thêm 4 - 5 trường hợp”. Điều lo lắng đối với quận hiện nay, theo ông Khiêm, là công tác vận động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là những năm trước đây, các quận, huyện đều có công đoàn cơ sở trực thuộc ngành GD-ĐT thực hiện việc vận động, chăm lo tết cho người lao động. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2017-2018, công đoàn cơ sở bị giải thể, sáp nhập về LĐLĐ quận, huyện. 

Tương tự, tại quận Tân Bình, ông Trần Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT quận, cho biết ngành giáo dục được giao chỉ tiêu vận động 50 triệu đồng chăm lo tết cho 100 giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hiện danh sách từ các đơn vị gửi lên đã hơn 140 trường hợp, ngoài ra còn có 29 trường hợp giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, địa phương nỗ lực vận dụng tối đa các nguồn lực, cố gắng không cắt bỏ trường hợp nào. “Hiện nay, chúng tôi đã vận động được 65 triệu đồng từ các công đoàn cơ sở, vượt 15 triệu đồng so với chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT sẽ phối hợp với LĐLĐ quận tổ chức thêm một số hoạt động gây quỹ chăm lo tết như phát động hội thi làm bánh chưng, làm món ăn tặng các gia đình chính sách…”, ông Quang nêu giải pháp.

Riêng tại một số quận như Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận, kế hoạch chăm lo tết cho cán bộ, giáo viên đang được lãnh đạo quận xem xét thông qua, dự kiến triển khai chậm nhất từ ngày 15-1. 

Vận động nhiều nguồn

Công đoàn ngành giáo dục TPHCM năm nay đã công bố kế hoạch chăm lo tết cho giáo viên, người lao động từ khá sớm. Điểm mới của kế hoạch là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, người lao động. Trong đó, chú ý cả chế độ tiền lương, tiền thưởng thi đua, tiết kiệm tăng thu nhập cuối năm đối với giáo viên, người lao động ở các đơn vị công lập và tiền lương, tiền thưởng thi đua, thưởng tết đối với giáo viên ở các đơn vị ngoài công lập. Riêng đối với cơ sở ngoài công lập, nếu hoạt động của đơn vị gặp khó khăn, ban chấp hành công đoàn cơ sở được giao nhiệm vụ trao đổi với người sử dụng lao động để có giải pháp tạo nguồn tài chính trả lương, trả thưởng cho người lao động. Trường hợp đơn vị không có nguồn trả lương, trả thưởng thì báo ngay về Công đoàn ngành giáo dục TP để có sự can thiệp, hỗ trợ. Bên cạnh đó, đối với một số trường hợp người lao động có hoàn cảnh đặc biệt như vợ/chồng bị tai nạn lao động, bệnh nan y hiểm nghèo, đang làm nhiệm vụ ở hải đảo không được về quê ăn tết… sẽ được hỗ trợ thấp nhất 500.000 đồng/người.

Đây được xem động thái cần thiết, kịp thời của của ngành giáo dục TP nhằm đảm bảo sự công bằng về chế độ chăm lo tết, không phân biệt loại hình cơ sở, giúp người lao động yên tâm công tác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ngành giáo dục một số quận, huyện không có quỹ để thưởng tết cho giáo viên. Cụ thể, ngoài một số ít trường hợp trong hơn 80.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục TPHCM được ngành chăm lo, hỗ trợ, thì phần đông còn lại mong chờ vào khoản kết dư cuối năm (thường không giống nhau giữa các đơn vị).

Tuy nhiên, trong tổng ngân sách được phân bổ về các trường, sau khi chi cho các hoạt động, phong trào, quỹ lương, nếu khéo “co kéo”, trường chỉ dư ra một ít làm tiền thưởng cuối năm cho cán bộ, công nhân viên. Tùy từng chức vụ, vị trí công việc, số tiền người lao động nhận được có thể chênh nhau từ 200.000 - 800.000 đồng/người. Để giải quyết khó khăn, một số đơn vị còn tận dụng cả nguồn tài trợ từ các hãng sữa, đơn vị cung cấp suất ăn trưa. 

Dẫu biết những phần quà chỉ mang ý nghĩa “động viên là chính” nhưng vẫn khiến nhiều người chạnh lòng, mong chờ một ngày nghề giáo sẽ như tất cả ngành nghề khác trong xã hội, được danh chính ngôn thuận có khoản tiền thưởng cuối năm. Trong khi Chính phủ đã có chủ trương nâng vai trò và tầm vóc của nghề giáo, Bộ GD-ĐT cũng đã có đề nghị giáo viên phải có thu nhập xứng tầm với vị trí của nhà giáo trong xã hội, mà cụ thể là đề xuất xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất trong ngạch lương hành chính sự nghiệp…, thì tình trạng thưởng tết như nói trên quả là đáng chạnh lòng.

Tin cùng chuyên mục