Còn hơn một tháng nữa đến tết cổ truyền dân tộc năm 2014, những người làm công, hưởng lương đều chờ mong có thêm một khoản tiền thưởng cuối năm để có điều kiện trang trải kinh tế gia đình, mua sắm tết, đi chơi tết, hay về quê đón tết. Những người chờ mong nhiều vào tiền thưởng tết là đông đảo công nhân, người lao động - những người vất vả ngày đêm để đem lại của cải cho xã hội. Năm nay, nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày và được nghỉ sớm hơn mọi năm, nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã lên kế hoạch chăm lo tết cho công nhân từ sớm. Công đoàn ở nhiều nơi phối hợp với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và chủ doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ công nhân, nhất là những trường hợp lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nghề nghiệp, gia đình có người nhà gặp thiên tai bão lũ ở miền Trung...
Một công việc quan trọng khác là các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp trong việc thực hiện các chế độ chính sách về chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kế hoạch thưởng Tết Aâm lịch sắp tới.
Đối với người lao động, việc có thêm khoản tiền thưởng kha khá và được chăm lo cải thiện đời sống không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình, mà còn giúp họ yên tâm làm ăn, phát huy tính năng động sáng tạo, gắn bó với doanh nghiệp, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, lấy lý do “tình hình sản xuất khó khăn”, nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đúng mức việc chăm lo đời sống, trả lương, thưởng đúng với giá trị lao động của công nhân, thậm chí nhiều nơi tìm mọi cách né thưởng tết, hoặc bớt xén tiền thưởng tết.
Đối với nơi thường sử dụng lao động phổ thông, hay ở những đơn vị dễ tuyển, dễ đào tạo nghề công nhân, chủ doanh nghiệp sử dụng công nhân theo kiểu thời vụ, tức là có việc mới gọi đến làm. Gần cuối năm, có doanh nghiệp sử dụng chiêu này vừa tránh được thưởng tết, vừa có thể “né” được các chế độ chính sách phải chi trả cho người lao động. Lại có tình trạng, doanh nghiệp giữ lại tiền thưởng, để sau tết công nhân đi làm mới đưa lại lấy lý do “tránh thuế thu nhập”, nhưng thực chất chủ doanh nghiệp sợ công nhân về quê ăn tết không trở lại làm việc.
Kinh nghiệm cho thấy, ở những doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách cho công nhân thì công đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở chủ doanh nghiệp thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các cam kết trong hợp đồng lao động, nhất là trong thực hiện các chế độ chính sách đối với công nhân về trả lương, trả thưởng... Qua công tác này, công đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của công nhân, đề xuất với chủ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết những vướng mắc để góp phần hạn chế những tranh chấp phát sinh ngay tại doanh nghiệp, củng cố mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Xét ở góc độ kinh tế và nhìn toàn cục, việc thưởng tết trùng với với nghỉ tết dài ngày và nghỉ tết sớm sẽ giúp cho công nhân, người làm công hưởng lương có dịp mua sắm nhiều trong dịp tết, giúp cho các các ngành khác giảm áp lực tàu xe, đi lại, hạn chế giá cả tăng đột biến vào lúc cao điểm. TPHCM coi đây là một trong những giải pháp kích thích tiêu dùng trong xã hội. Do vậy, cùng với việc tổ chức các hình thức chăm lo tết cho công nhân, chuyển hàng bình ổn giá đến tận tay công nhân ở khu chế xuất-khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, vận động và trợ giá giúp chủ nhà trọ, nhà giữ trẻ mầm non không tăng giá đi đôi với giữ giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường, thì việc các doanh nghiệp thưởng tết thỏa đáng, trả đủ lương cho công nhân và người lao động cũng chính là gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ nhanh sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
TUẤN SƠN