Chăm lo thú nuôi

Trong thời điểm TPHCM giãn cách xã hội, Thảo cầm viên Sài Gòn tạm dừng đón khách tham quan. Tuy nhiên, mọi hoạt động chăm sóc cây cảnh, thú nuôi vẫn thực hiện. Để có nguồn thức ăn cho thú nuôi, ban lãnh đạo Thảo cầm viên đã gồng mình xoay trở.
Kỹ thuật viên đang chăm sóc cho voi
Kỹ thuật viên đang chăm sóc cho voi

Với phương châm “3 tại chỗ” trong phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, hơn 30 cán bộ, kỹ thuật viên của Thảo cầm viên phải ứng trực thường xuyên.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết: “Để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 23-5-2021, chúng tôi đã tạm đóng cửa, ngừng phục vụ khách tham quan. Mới đầu, chỉ nghĩ là tạm ngưng hoạt động khoảng 1 tuần. Nhưng đến nay đã hơn 4 tháng. Mảng cây xanh tạm dừng hoạt động. Nguồn thu từ bán vé không còn nên khá vất vả để hoạt động”. Theo ông Tân, rất may là có nhiều người dân biết được khó khăn của Thảo cầm viên nên đã ủng hộ cả tiền lẫn rau, củ, quả. “Chúng tôi đã gửi đề xuất đến Sở Xây dựng để xin kinh phí hoạt động. Đến thời điểm này, mọi thủ tục đã được thông qua và đang chờ trình HĐND TPHCM quyết định”, ông Tân nói. Trước khi thành phố thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, Thảo cầm viên tạm dừng hoạt động, CB-CNV đã chuẩn bị nguồn thức ăn cho thú, nhất là cỏ lấy từ trang trại trồng ở huyện Củ Chi. Tuy nhiên, đối với các loài thú ăn những thức ăn đặc biệt như tê tê ăn trứng kiến, con voọc thích ăn rau bù ngót…, thì nhân viên phải lặn lội tìm mua, ban giám đốc vận dụng các mối quan hệ để đặt hàng.

Khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến thú nuôi mà lãnh đạo Thảo cầm viên còn phải tinh giản người lao động. Ông Trương Ngọc Đăng, Trưởng phòng kỹ thuật Thảo cầm viên, cho biết: “Chúng tôi chỉ chọn những khâu quan trọng nhất để tiếp tục vận hành công việc trong tình hình mới. Trước có 34 người, nay chỉ còn 30 người. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo thành phố, các nhà hảo tâm… trong thời gian tới”. Dù khó khăn, nhưng cán bộ, nhân viên vẫn đảm bảo vệ sinh chuồng trại, quét dọn lối đi, chăm sóc cây cảnh, thú nuôi… Ông Nguyễn Văn Phong, nhân viên kỹ thuật, bộc bạch: “Hàng ngày, chúng tôi đến các dãy chuồng để theo dõi sức khỏe của thú. Bất kỳ biểu hiện nào của thú đều được anh em ghi nhận và giải quyết ngay. Rất may là thời gian qua, thú đều được chăm sóc và đảm bảo sức khỏe để khi Thảo cầm viên mở cửa trở lại sẽ sẵn sàng phục vụ khách tham quan”.

Tin cùng chuyên mục