Những năm qua, TPHCM đã kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức như BOT, PPT… để xây dựng hàng loạt công trình cầu đường, giúp bộ mặt đô thị ngày càng thông thoáng và khang trang hơn. Tuy nhiều công trình được đưa vào sử dụng sớm hơn so với kế hoạch nhưng số dự án “vượt tiến độ” thuộc dạng rất hiếm.
Hiện còn hàng loạt dự án trọng điểm thi công kéo dài nhiều năm, thậm chí có dự án “án binh bất động” do bị vướng mặt bằng, khiến nhiều dự án vốn đầu tư tăng gấp đôi. Đơn cử, dự án nút giao thông trước cổng Trường ĐH Quốc gia TPHCM vốn đầu tư từ hơn 250 tỷ đồng, đội lên 456 tỷ đồng vì chờ bàn giao mặt bằng.
Theo kế hoạch, dự án được thực hiện năm 2008 và hoàn thành năm 2012 nhưng đến nay chỉ thi công được một đoạn ngắn. Dự án mở rộng tỉnh lộ 10B (thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) có 3.614m đã hoàn thành nhưng còn vướng mặt bằng 300m cuối tuyến trên địa bàn huyện Bình Chánh khiến tuyến đường nằm phơi nắng phơi sương, xe cộ không lưu thông được. Khởi công năm 2007 và hoàn thành vào năm 2009 với tổng vốn đầu tư 346,6 tỷ đồng, nhưng vì 300m trên khiến dự án đội lên 551,7 tỷ đồng (tăng hơn 200 tỷ đồng). Tương tự, dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng), có chiều dài 13,6 km, tổng vốn đầu tư hơn 340 triệu USD, đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, với hơn 3.800 hộ dân bị ảnh hưởng và phải di dời. Hiện dự án đã hoàn thành được đoạn đi qua quận Gò Vấp và Bình Thạnh. Trong khi đó, đoạn từ Nguyễn Kiệm đến sân bay Tân Sơn Nhất mật độ giao thông rất đông và là cửa ngõ sân bay, đúng ra phải ưu tiên hoàn thành trước, thế mà đến nay vẫn chưa thấy nhúc nhích. Nguyên nhân chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng của quận Tân Bình rất chậm.
Công trình chậm tiến độ không những vốn đầu tư tăng cao mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Một nghịch lý, thời gian qua, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. Khi người dân thống nhất chịu nhận tiền thì chủ đầu tư lại không có tiền chi trả, đến lúc có tiền thì người dân đòi tính lại theo giá mới. Ngoài ra, thủ tục áp giá đền bù hoặc tái định cư cũng chưa nhất quán. Người dân đang cư ngụ tại quận 1, 3, 5… đưa họ lên huyện Hóc Môn, Bình Chánh, khoảng cách quá xa khó đảm bảo làm ăn sinh sống, vì thế, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp kéo dài.
Để công trình thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu, công tác giải phóng mặt bằng cần có sự tuyên truyền, phổ biến để người dân biết chủ trương lớn của dự án, từ đó đồng lòng ủng hộ, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng nhanh chóng. Điều quan trọng là vốn cho công tác giải phóng mặt bằng cần phải được ưu tiên hàng đầu, khi người dân đồng ý nhận tiền đền bù là có đủ kinh phí chi trả ngay. Thực hiện linh hoạt nhiều hình thức tái định cư (tự nguyện, tập trung, xen ghép...) và chủ động bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư với quy mô phù hợp.
Đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là mấu chốt để tiết kiệm vốn đầu tư và thời gian thi công các công trình cải thiện hạ tầng, bởi chậm bàn giao mặt bằng ngày nào, đồng vốn đầu tư sẽ bị đội lên một cách vô ích và lãng phí!
QUỐC HÙNG